Ba "nhà máy mẹ" của ngành sản xuất vũ khí10/01/2020CNQP&KT - Nhà máy Z1 (nay là Nhà máy Z111), Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113) và Xưởng quân cụ X10 (nay là Nhà máy Z117) là những đơn vị được coi là các “nhà máy mẹ” của ngành Quân giới, được thành lập từ những năm 50 của thế kỷ trước. Trong đó, Nhà máy Z1 và Nhà máy Z2 được xây dựng trên cơ sở có sự viện trợ của nước bạn, còn Xưởng quân cụ X10 do Ngành Quân giới tự lực xây dựng nên.
SỰ HÌNH THÀNH NHÀ MÁY Z1 Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 20/7/1954, miền Bắc được hòa bình, ngành Quân giới (nay là ngành Công nghiệp quốc phòng - CNQP) đã nhanh chóng tổ chức xây dựng lực lượng, tiếp tục phát triển trong tình hình mới. Thực hiện phương hướng phát triển với nhiệm vụ sửa chữa là chính, được sự giúp đỡ của Trung Quốc, đầu năm 1956, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Nhà máy Z1, có nhiệm vụ sửa chữa các loại súng, pháo và khí tài quang học, đáp ứng yêu cầu trang bị cho bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Ngày 19/3/1957, tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, Cục Quân giới tổ chức Lễ động thổ khởi công xây dựng Nhà máy Z1. Tháng 12/1958, Cục Quân giới quyết định điều chuyển Xưởng Z62, đóng quân tại xã Cấm Sơn, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, có nhiệm vụ sửa chữa các loại súng bộ binh (súng ngắn, súng trường, tiểu liên, trung đại liên) và Z63 đóng quân ở xã Mỹ Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, có nhiệm vụ sửa chữa pháo, súng cối các loại, các bộ phận thay thế súng pháo, về Nhà máy Z1 để nâng cao năng lực sản xuất 5 loại súng: súng trường bán tự động CKC-45, súng tiểu liên AK-47, súng trung liên RPD-44, súng trung liên RP-46 và súng đại liên SGM. Trong thời gian này, Nhà máy Z1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Tháng 6/1967, Nhà máy Z1 được đổi tên thành Nhà máy V111, rồi đến tháng 7/1975, phiên hiệu V111 được đổi thành Z111 như ngày nay. Ngày 17/2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Trước hoàn cảnh đó, Nhà máy vừa tiếp tục duy trì sản xuất, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất của năm 1979, vừa chuẩn bị kế hoạch di chuyển đến địa điểm mới khi có lệnh. Để phù hợp tình hình, Bộ Quốc phòng quyết định di chuyển Nhà máy Z111 về huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Tháng 3/1979, Phân xưởng A8 được lệnh tháo dỡ máy móc mở đầu chiến dịch di chuyển. Sau đó, tình hình chiến sự tạm lắng xuống, nhưng để đảm bảo thế bố trí chiến lược lâu dài, chủ trương di chuyển Nhà máy Z111 về Thanh Hóa vẫn được tiếp tục thực hiện. Nhà máy Z1 tổ chức sản xuất tại nơi sơ tán thời chống Mỹ. Ảnh: TL Sau nhiều lần di chuyển, hiện Nhà máy Z111 đang đóng quân trên địa bàn xã Hoàng Trung, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất, sửa chữa các chủng loại súng khác nhau trang bị cho Quân đội; sản xuất các chi tiết, phụ tùng cho sửa chữa quốc phòng, đặc biệt là sản xuất bán thành phẩm quốc phòng xuất khẩu. Cùng với đó, Nhà máy cũng tham gia sản xuất nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ các ngành kinh tế trong nước như dầu khí, xi măng, khoáng sản... Cũng từ Nhà máy Z1, ngành Quân giới có thêm 2 nhà máy là Nhà máy Z183 và Nhà máy V123 sau đổi thành Z123 (nay là Xí nghiệp Quang điện 23, thuộc Nhà máy Z199). Trong đó, Nhà máy V123 được thành lập năm 1966, trên cơ sở Phân xưởng A5 của Nhà máy Z1 tách ra. Nhà máy Z183, đóng quân tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái), được thành lập năm 1981 trên cơ sở một phần dây chuyền sản xuất máy và phụ tùng, bộ phận thay thế của Z1 để lại sau khi “nhà máy mẹ” di chuyển về Thanh Hóa. VÀI NÉT VỀ NHÀ MÁY Z2 Nhà máy Z2 được Trung Quốc giúp đỡ xây dựng theo Nghị định thư ký kết vào đầu năm 1956, có nhiệm vụ sửa chữa các loại đạn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta. Cục Quân giới chọn địa điểm thuộc xã Đội Bình, và xã Đội Cấn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để xây dựng Nhà máy. Sau khi được chính quyền địa phương ủng hộ và được Bộ Quốc phòng phê duyệt địa điểm, đầu năm 1957, Công trường 14 - đơn vị chịu trách nhiệm thi công xây dựng công trình Nhà máy Z2, từng bước được hình thành. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiểm tra khu vực chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy Z2 (năm 1958). Ảnh: TL Theo thiết kế từ năm 1956, Nhà máy Z2 chỉ có chức năng sửa chữa, không có chức năng sản xuất. Chính vì vậy, ít năm sau Nhà máy được trên giao thêm nhiệm vụ sản xuất các loại đạn. Để Nhà máy thực hiện tốt nhiệm vụ vừa sửa chữa, vừa sản xuất, ngày 20/9/1961, Tổng cục Hậu cần quyết định điều chuyển toàn bộ Xưởng Z65 đóng quân ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) về làm nòng cốt xây dựng Nhà máy Z2. Đây là xưởng có rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lựu đạn và mìn của ngành Quân giới. Ngày 2/7/1962, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ký Quyết định số 1187/QĐ quy định nhiệm vụ của Nhà máy Z2. Theo đó, Nhà máy Z2 có chức năng sửa chữa đạn pháo, đạn cối, đạn con các loại; nhồi thuốc nổ các loại đạn pháo, đạn cối; sản xuất đạn K56 và các loại lựu đạn, mìn. Tháng 6/1967, Nhà máy Z2 được đổi tên thành Nhà máy V113 và đến tháng 7/1975, phiên hiệu V113 đổi thành Z113. Một điều khá đặc biệt là vào năm 1964, Cục Quân giới quyết định tách Phân xưởng 4B chuyên sản xuất lựu đạn của Nhà máy Z2 để thành lập Xưởng Z3 chuyên sản xuất các loại lựu đạn, mìn trực thuộc Cục Quân giới. Ngày 13/7/1967, Xưởng Z3 sáp nhập vào Công trường 6502 để thành lập Nhà máy V115 (nay là Nhà máy Z115) đóng quân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tháng 9/1966, thực hiện quyết định của trên, một dây chuyền sản xuất bộ lửa cho lựu đạn của Nhà máy Z2 được tách ra, trở thành một nhà máy mới, nay là Nhà máy Z121, đóng quân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Như vậy, từ “nhà máy mẹ” Z113, ngành Quân giới đã có thêm 2 “nhà máy con” là Z115 và Z121. Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy Z113 luôn hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa các loại đạn trang bị cho Quân đội; đồng thời tham gia sản xuất các sản phẩm kinh tế, như: thuốc nổ công nghiệp, mũi khoan xoay cầu và một số sản phẩm cơ khí phục vụ dân sinh. XƯỞNG QUÂN CỤ X10 Đầu năm 1956, Bộ Quốc phòng cho phép Cục Quân giới triển khai xây dựng Xưởng quân cụ X10 tại thành phố Hải Phòng. Nòng cốt để xây dựng Xưởng X10 là Z64 (Xưởng sửa chữa vũ khí) được điều chuyển từ Lạc Thủy, Hòa Bình. Ngày 19/5/1956, chuyến xe đầu tiên vận chuyển lực lượng lao động và thiết bị của Z64 về tới Hải Phòng - đây là cột mốc đầu tiên đánh dấu quá trình xây dựng, trưởng thành của Xưởng quân cụ X10. Xưởng có nhiệm vụ sản xuất các loại quân cụ, mô hình học cụ phục vụ bộ đội huấn luyện. Tháng 1/1961, Xưởng quân cụ X10 được nâng cấp thành Nhà máy X10 và được bổ sung thêm phân xưởng sửa chữa ra-đa, máy chỉ huy và sửa chữa pháo. Tháng 9/1965, các phân xưởng của Nhà máy X10 lần lượt rời khỏi thành phố Hải Phòng, phân tán đến nhiều nơi khác nhau. Phân xưởng Sửa chữa pháo cao xạ của Nhà máy được chuyển về Đoàn II (Đoàn xe vận tải) thuộc Tổng cục Hậu cần, đóng quân ở xã Gia Thượng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tháng 10/1965, Cục Quân giới điều Phân xưởng Sửa chữa pháo mặt đất của Nhà máy Z1 ở xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, về đóng tại thôn Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc và nhập với Phân xưởng Sửa chữa pháo cao xạ của Nhà máy X10. Từ đây, Nhà máy X10 có một phân xưởng sửa chữa pháo hoàn chỉnh gồm cả pháo cao xạ và pháo mặt đất. Đến giữa năm 1966, thực hiện chỉ thị của Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần và Cục Quân giới, cán bộ, công nhân các cơ sở sửa chữa pháo và sản xuất phụ tùng thay thế tổ chức di chuyển máy móc, thiết bị và súng pháo về đóng quân ở các huyện Đông Anh, Đa Phúc, Kim Anh (Vĩnh Phúc) và Mỹ Hào (Hưng Yên). Nữ công nhân Nhà máy V117 sản xuất ngư lôi trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TL Ngày 12/1/1967, Thủ trưởng Cục Quân giới đã phê duyệt đổi tên Nhà máy X10 thành Nhà máy V117, đóng quân tại xã Đông Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà máy V117 có nhiệm vụ sản xuất sản phẩm cơ khí các loại, ngòi đạn, ngòi nổ, mìn vỏ tôn, quân cụ, huân - huy chương. Tháng 7/1975, phiên hiệu V117 được đổi thành Z117. Cũng từ đây, ngày 6/5/1966, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quyết định thành lập 3 công trường trực thuộc Cục Quân giới để tổ chức triển khai xây dựng. Xuất phát từ Xưởng quân cụ X10 mà ngành Quân giới có thêm Nhà máy Z125 và Nhà máy Z127. Theo đó, để tăng cường năng lực sửa chữa súng pháo, ngày 7/9/1966, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quyết định tách Phân xưởng Sửa chữa pháo Nhà máy X10 để thành lập Xưởng Sửa chữa pháo I, gọi tắt là Xưởng X11, trực thuộc Cục Quân giới. Ngày 24/1/1967, Xưởng X11 được nâng cấp lên thành Nhà máy V125 (nay là Nhà máy Z125). Tiếp đến, ngày 6/5/1966, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quyết định thành lập 3 công trường trực thuộc Cục Quân giới, trong đó Công trường 6501 là công trình xây dựng nhà máy đúc vỏ đạn cối (mật danh V127). Sau đó, Cục Quân giới điều Phân xưởng rèn và đúc của Nhà máy X10 về làm nòng cốt xây dựng Nhà máy V127. Tháng 7/1975, phiên hiệu V127 đổi thành Z127 (nay là Nhà máy Z127). Còn đối với “nhà máy mẹ” Z117, sau nhiều lần di chuyển, hiện Nhà máy đóng quân tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, Nhà máy Z117 còn tích cực sản xuất các mặt hàng kinh tế, như: sản phẩm bằng kim loại, phi kim loại và luyện kim màu; vật liệu hàn, hàng cơ khí, huân - huy chương, dụng cụ y tế; kỷ niệm chương, logo, biểu trưng và các vật phẩm kỷ niệm, các loại khung ảnh, khung bằng khen, khung huân - huy chương. Đặc biệt, phát huy thế mạnh của một nhà máy cơ khí chính xác, Nhà máy Z117 đã là điểm sáng của Tổng cục CNQP trong việc sản xuất phụ tùng cơ khi phục vụ ngành công nghiệp phụ trợ và các sản phẩm cơ khí tiêu dùng xuất khẩu. Đại tá TRẦN BÁ THUẬN Trưởng ban Tổng kết Lịch sử - Tổng cục CNQP
|