Khi Bác Hồ khen “anh em Quân giới”10/09/2020CNQP&KT - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã khai sinh ra ngành Quân giới. Chỉ sau 13 ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới, tiền thân của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng hiện nay. Bác cũng rất quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ. Hẳn nhiều người chưa biết, trong số 6 trí thức được Bác đưa từ Pháp về năm 1946, thì có hai người là kỹ sư Trần Đại Nghĩa và kỹ sư Võ Quý Huân đã góp công rất lớn cho ngành Quân giới. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dõi theo từng bước tiến của ngành cũng như sự trưởng thành của “anh em Quân giới”... Trong bức thư gửi bác sĩ Trần Hữu Tước ngày 20/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa, chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã gắng sức rất nhiều trong công việc kháng chiến”. Không chỉ gửi thư hỏi thăm động viên hay ngợi khen trực tiếp, Bác còn viết bài đăng báo để nhân rộng gương điển hình tiên tiến, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Bác đã viết hàng nghìn bài báo, trong đó có hai tác phẩm trực tiếp viết về Anh hùng Quân giới Ngô Gia Khảm và Trần Đại Nghĩa. Trong bài viết có tên “Ngô Gia Khảm” đăng trên báo Nhân Dân (tháng 6/1952), với bút danh là C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bằng một thông tin: “Đồng chí Ngô Gia Khảm được Đại hội toàn quốc bầu làm Anh hùng Lao động số 1”. Sau khi đề cập đến bước đường tham gia cách mạng của “Anh hùng số 1”, Bác viết: “Năm 1944, đoàn thể giao đồng chí Khảm việc làm thuốc đạn cho du kích. Với hai bàn tay không, đồng chí tự nghĩ ra cách làm, tự tìm ra nguyên liệu, tự đào tạo ra cán bộ. Đồng chí Khảm đã tự tay đúc quả lựu đạn đầu tiên của Quân đội Việt Nam”. Bài báo nhấn mạnh: “Đồng chí Khảm vì công việc và vì cứu nhà máy, mà bị thương ba lần. Lần thứ hai đồng chí hỏng cả tai mắt mũi miệng và què hai tay. Song không vì tai nạn mà nản chí; trái lại đồng chí ngày càng cố gắng, càng tiến bộ. Không sợ khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết làm vượt mức nhiệm vụ. Đó là mấy đức tính của Anh hùng Ngô Gia Khảm”. Cũng trong tháng 6/1952, trên báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về kỹ sư Trần Đại Nghĩa như sau: “Là một trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng Lao động trí óc Trần Đại Nghĩa”. Người nhận xét: “Kỹ sư Nghĩa luôn luôn cố gắng làm đúng lời hứa: khắc phục mọi khó khăn, đào tạo nhiều cán bộ, đưa những học thức rộng ở châu Âu vào điều kiện eo hẹp của nước ta. Đồng chí rất giỏi về khoa học, máy móc nhưng lúc thực hành thì không “máy móc”. Kết thúc bài, Bác viết một cách hàm súc về nhân vật: “Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng Quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt giữa lý luận với thực hành”. Cả hai bài báo Bác khen “anh em Quân giới” tuy ngắn nhưng giá trị thật lớn lao, vẫn có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục thế hệ hôm nay. Đó là phải không ngừng học tập, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khen “anh em Quân giới” chính là Người muốn khích lệ tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong ngành. Có thể nói, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tinh thần Quân giới đã được phát huy cao độ. Tinh thần ấy đã giúp Quân đội ta có thêm nhiều loại vũ khí để chống lại kẻ thù. Tinh thần ấy đã thể hiện sự thông minh, lòng nhiệt tình cách mạng, những nỗ lực vượt khó, lao động quên mình, sẵn sàng hy sinh của các nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong ngành. Kế thừa truyền thống vẻ vang, ngành Công nghiệp quốc phòng hôm nay đang không ngừng phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, những thách thức, trở ngại trong nền kinh tế thị trường cùng với bao trăn trở, lo toan của cuộc mưu sinh thường nhật hẳn có lúc làm nhiều người nhạt phai tinh thần Quân giới. Vì vậy, những dòng Bác viết về Anh hùng Ngô Gia Khảm: “Không sợ khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết làm vượt mức nhiệm vụ” từ hơn 68 năm trước, sẽ vẫn là tư tưởng chỉ đạo đối với mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong Quân đội nói chung và ngành Công nghiệp quốc phòng nói riêng. NHẤT NGÔN
|