CNQP&KT - Sản xuất vũ khí, trang bị là mối quan tâm hàng đầu của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp.

Ngày 15/9/1945, chỉ 13 ngày sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới (tổ chức ban đầu của ngành Quân giới-Công nghiệp quốc phòng) với hai nhiệm vụ là thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí.

Cần phải nhấn mạnh rằng, hoàn cảnh nước ta lúc đó vô cùng khó khăn, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, các ngành công nghiệp vật liệu, công nghệ chế tạo chưa có, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chưa có cơ sở vật chất cho ngành sản xuất vũ khí ra đời. Vì vậy, khi Chính phủ hỏi ý kiến một số nhà khoa học về việc sản xuất vũ khí, nhiều đồng chí băn khoăn là ta không thể làm được. Tuy vậy, trong điều kiện bị giặc Pháp bao vây, lùng sục bốn bề, cán bộ, công nhân Quân giới vượt qua mọi khó khăn trở ngại để tổ chức sản xuất vũ khí, cung cấp kịp thời cho bộ đội và dân quân chiến đấu với kẻ thù. Hàng loạt tổ sửa chữa và chế tạo vũ khí tại các chi đội bộ đội ở Nam Bộ; các binh công xưởng ở các tỉnh, khu từ Bắc chí Nam ra đời. Máy móc, nguyên liệu lấy từ cơ sở công nghiệp dân dụng; nhân lực thì tuyển lựa học sinh các trường kỹ nghệ, trí thức yêu nước, công nhân các cơ sở công nghiệp… để nhồi nạp đạn, sửa chữa súng, rèn giáo, mã tấu, rồi sản xuất lựu đạn, địa lôi, súng kíp… đáp ứng cho mặt trận ngày một lan rộng.

Ngày 9/10/1946, tại Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 tổ chức tại Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội), một vấn đề được các đại biểu trao đổi rất sôi nổi là phải có một thứ vũ khí nào đó có thể chiến đấu hiệu quả với xe tăng, cơ giới của địch. Đồng chí Võ Nguyên Giáp mời kỹ sư Trần Đại Nghĩa, một trí thức Việt kiều vừa được Bác Hồ đưa từ Pháp về nước tham gia kháng chiến và bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Quân giới, phát biểu ý kiến. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa cho biết: Theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đến thăm xưởng Quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên tháng 3/1946, hiện một nhóm cán bộ đang thử nghiệm để hoàn chỉnh súng và đạn Bazoka trong thời gian nhanh nhất.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho ngành Quân giới tổ chức những xưởng vũ khí nhỏ, gọn, theo phương châm “tiểu quy mô, cơ động, linh hoạt, dễ di chuyển khi cần thiết"; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất thật nhiều, thật nhanh những vũ khí thô sơ, thông dụng như: giáo, mã tấu, lựu đạn, mìn, địa lôi, súng kíp, cung cấp kịp thời cho các lực lượng, phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến và quan điểm chiến tranh nhân dân, vũ trang toàn dân.

Sản xuất lựu đạn tại binh công xưởng Nam Bộ (1943 - 1953).  Ảnh: TL

Đúng như dự kiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi chiếm được Hà Nội, giặc Pháp bắt đầu mở các cuộc tấn công lớn ra các tỉnh lân cận. Ngày 2/3/1947, cuộc hành binh lớn đầu tiên của quân Pháp từ Hà Nội đánh ra các địa phương thuộc tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Xe tăng, xe bọc thép, bộ binh cơ giới mở những mũi thọc sâu theo hai cánh. Hướng từ phía Tây Nam Hà Nội đi Hà Đông, Mai Lĩnh, sau đó chúng ngược lên Chúc Sơn, Chùa Trầm, Sơn Lộ, Quốc Oai, Chùa Thầy. Hướng từ Chèm theo đê sông Hồng, sông Đáy xuống cầu Phùng đánh vào vùng Đan Phượng. Đài phát thanh của địch công khai nói cuộc hành binh này có nhiệm vụ chụp bắt cơ quan đầu não của Việt Minh.

Ngay từ khi Trung đoàn Thủ đô còn đang quần thảo với địch tại nội đô, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã không giấu được vẻ ưu tư, vì tất cả những ụ chướng ngại vật do tự vệ và đồng bào ta mất rất nhiều công sức dựng trên đường phố đã không ngăn được xe tăng, xe cơ giới của quân Pháp. Các chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Thủ đô đã dũng cảm ôm bom ba càng lao vào xe tăng, xe thiết giáp địch… Vì thế, vào cuối tháng 1/1947, khi nghe tin Cục Quân giới đã chế tạo thành công súng, đạn Bazoka, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cử ngay đồng chí Phan Mỹ, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng và đồng chí Tôn Thất Hoàng, cán bộ Nha Nghiên cứu kỹ thuật, đến lấy và mang ngay về mặt trận đường số 6. Quân ta đã dùng súng, đạn Bazoka diệt gọn 2 xe tăng địch ở Chúc Sơn - Chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, số xe còn lại của địch hốt hoảng quay trở về Hà Nội. Trận đánh đó đã góp phần bẻ gãy cuộc tiến quân của địch, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của những người lính thợ Quân giới, làm cho kẻ thù hết sức bất ngờ và hoảng sợ.

Từ năm 1948 đến 1950, cán bộ, công nhân Quân giới từ Khu 5 trở ra đã sản xuất được 133 nghìn tấn vũ khí, gồm: hơn 1 triệu quả lựu đạn, mìn, địa lôi; 900 khẩu súng; 15 vạn quả đạn các loại; hơn 200 tấn hóa chất; thuốc nổ; hai triệu viên đạn súng trường, súng tiểu liên…

 Ở Nam Bộ không có điều kiện để sản xuất súng và đạn Bazoka, kỹ sư Lê Tâm đã nghiên cứu ra Bazomin (một loại mìn lõm) để đánh cơ giới địch. Trong trận đánh La Ngà (Định Quán, Đồng Nai) tháng 2/1948, bộ đội ta đã dùng mìn badômin và các loại vũ khí khác phá hủy 59 xe quân sự, diệt 150 binh lính hộ tống, 25 sĩ quan đi dự hội nghị quân chính; bắt sống Trung úy Joeffrey, chỉ huy Đại đội hộ tống của địch. Quân giới Nam Bộ còn nghiên cứu chế tạo thành công súng và đạn SS theo nguyên lý không giật, với kết cấu đơn giản, tiết kiệm được thuốc phóng để phá hủy tháp canh của địch.

Từ thành công vang dội trong công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, Bộ Tổng chỉ huy đã biểu dương cán bộ, chiến sĩ Quân giới đã “tái sinh” nhiều máy móc hư hỏng, cải biến máy móc không thích hợp; mò vớt súng đạn, thủy lôi dưới lòng sông; khai thác nguyên vật liệu từ bom, đạn chưa nổ của địch sản xuất vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu. Đặc biệt, từ năm 1948 đến năm 1950, cán bộ, công nhân Quân giới từ Khu 5 trở ra đã sản xuất được 133 nghìn tấn vũ khí, gồm: hơn 1 triệu lựu đạn, mìn, địa lôi; 900 khẩu súng; 15 vạn đạn các loại; 2 triệu viên đạn súng trường, tiểu liên; hơn 200 tấn hóa chất, thuốc nổ…

Với một nền công nghiệp lạc hậu, gần như không có gì, song bằng tinh thần mưu trí, sáng tạo những người lính thợ Quân giới lại sản xuất được các vũ khí hiện đại, như: Bazoka, SKZ, SS... đã đáp ứng yêu cầu chiến thuật tiêu diệt những phương tiện tăng, xe bọc thép, phá tan các lô cốt boong ke của địch, góp phần làm thất bại chiến lược chiến tranh dồn bốt của giặc Pháp.

NGỌC MINH

(Theo cuốn sách: “Nhớ về nửa thế kỷ sản xuất và sửa chữa vũ khí”)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: