CNQP&KT - Đây là bài viết của đồng chí Thành Đức, từng là thư ký riêng của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, gửi tới Tạp chí CNQP và Kinh tế lúc sinh thời. Ban biên tập trân trọng giới thiệu để bạn đọc hiểu rõ hơn về kỹ sư Võ Quý Huân - người đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành Quân giới thời kỳ đầu chống Pháp.

Ngày ấy, dưới mái trường kháng chiến bên bờ sông Lam (Nghệ An), lớp học sinh chúng tôi thường được nghe kể về những gương sáng trí thức Việt kiều theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc. Chúng tôi vô cùng cảm phục tấm lòng yêu nước của những trí thức sẵn sàng từ bỏ cuộc sống sung sướng, hoa lệ ở thủ đô Paris (Pháp) để về nước cống hiến cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trong đó có kỹ sư Võ Quý Huân.

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư luyện kim ở Matxcơva (Nga) về nước, tôi nhận công tác ở Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113). Đầu năm 1968, tôi được cấp trên cử làm thư ký giúp việc cho Giáo sư Trần Đại Nghĩa, người vừa được Trung ương điều động trở lại Quân đội chỉ đạo công tác nghiên cứu kỹ thuật quân sự. Với tôi, thật may mắn khi được giúp việc cho một nhà khoa học lớn mà từ lâu mình đã cảm phục, kính trọng. Ở bên ông, tôi học được rất nhiều điều và có điều kiện hiểu thêm về kỹ sư Võ Quý Huân.

Kỹ sư Võ Quý Huân (ngoài cùng bên phải) đi cùng với đoàn của Hồ Chủ tịch tại Pháp năm 1946.      Ảnh: TL

Tôi còn nhớ một buổi chiều thu năm 1968, Giáo sư Trần Đại Nghĩa hỏi tôi quê quán ở đâu. Sau khi nghe tôi trả lời quê nội ở Thanh Chương, Nghệ An, Giáo sư nói: “Như vậy chú Đức vừa là đồng nghiệp luyện kim, vừa là đồng hương Thanh Chương với anh Võ Quý Huân. Xót xa quá! Anh Huân đã đi xa tròn một năm rồi”.

Tôi lặng người nhìn Giáo sư Trần Đại Nghĩa lấy khăn lau nước mắt. Ngoài trời bỗng đổ cơn mưa. Tôi tranh thủ hỏi chuyện Giáo sư về khoảng thời gian ông cùng các nhà trí thức Việt kiều tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước vào mùa thu năm 1946 trên con tàu Dumont durville của Hải quân Pháp.

Năm 1950, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, cần tăng cường cán bộ cho mặt trận nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, kỹ sư Võ Quý Huân được điều động lên Việt Bắc nhận nhiệm vụ Trưởng ban Kỹ thuật của Cục Quân giới.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa kể rằng: “Đó là những kỷ niệm sâu sắc trong đời, không thể quên được. Trên chuyến tàu đặc biệt vượt trùng dương ngày ấy, hằng ngày, anh em quây quần lắng nghe từng lời Bác nói chuyện. Hơn một tháng trên chiến hạm của Hải quân Pháp, anh em chúng tôi thực sự đã được dự một lớp học ngay trong lòng đối phương, do Bác trực tiếp giảng bài. Một lớp học hiếm hoi, không có chương trình định trước, không có tài liệu tham khảo, chỉ có ý tưởng và tri thức uyên thâm của người thầy giáo”.

Trong bốn nhà trí thức Việt kiều được về cùng Bác Hồ năm ấy, kỹ sư Võ Quý Huân có hoàn cảnh đặc biệt hơn cả. Ông đã có vợ là bà Irenè, tiến sĩ ngôn ngữ, quốc tịch Pháp, gốc Nga và một cô con gái hai tuổi là Võ Quý Việt Nga. Giáo sư Trần Đại Nghĩa nói: “Anh Huân cho chúng tôi xem tấm ảnh Bác Hồ bế cháu bé Việt Nga ở Paris tháng 7/1946. Anh em chúng tôi rất quý mến và cảm phục anh Võ Quý Huân. Chắc chắn anh đã trải qua những giờ phút đắn đo, cân nhắc, phải xa vợ trẻ, con thơ, thật không dễ. Cuối cùng, anh Võ Quý Huân đã về nước theo tiếng gọi của Tổ quốc, bởi con tim anh luôn nặng tình non nước”.

Kỹ sư Võ Quý Huân (thứ tư từ phải sang) giới thiệu công trình chuẩn bị dự triển lãm năm 1949, gồm: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mô hình lò cao thí nghiệm 3KC, nồi hơi, máy phát điện.   Ảnh: TL

Võ Quý Huân sinh năm 1912 trong một gia đình giáo học tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thời trẻ, ông là một học sinh thông minh, hiếu động ở Cố đô Huế, sau chuyến ra Hà Nội học và thi đỗ tú tài toàn phần. Năm 1936, Võ Quý Huân tham gia phong trào Mặt trận Bình Dân. Ông làm chủ biên, cùng Nguyễn Đức Minh ra tuần báo “Đông Dương hoạt động” được in bằng ba ngôn ngữ là Việt, Pháp và Hoa. Tờ báo đề cao tinh thần yêu nước, bênh vực người lao động và rất được giới trí thức ủng hộ. Rất tiếc, tờ báo mới xuất bản được 10 số thì bị chính quyền thực dân Pháp đóng cửa và truy bắt chủ biên. Tháng 5/1937, Võ Quý Huân bí mật lên tàu rời cảng Sài Gòn sang Pháp.

Ở Paris, ông vừa theo học Đại học Sorbonne, vừa làm gia sư để có thêm thu nhập. Nhờ đức tính cần cù, trí thông minh và giàu nghị lực, mấy năm sau Võ Qúy Huân thi đậu bằng kỹ sư cơ điện và được tuyển dụng vào Hãng tàu thủy Compagnie Transatlantique (Pháp) với cương vị sĩ quan máy trưởng. Sau đó, ông tiếp tục học và thi đậu bằng kỹ sư ngành đúc - luyện kim và chuyển sang làm việc tại Hãng máy bay Potef với chức vụ kỹ sư trưởng chuyên về động cơ, máy nổ. Trong thời gian này, ông còn thi thêm bằng kỹ sư kỹ nghệ chuyên nghiệp.

Là người tích cực hoạt động xã hội, ông tham gia Tổng Công đoàn Pháp, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp (năm 1939). Tại Đại hội Việt kiều ở Avignon, ông được bầu vào Ban Trị sự của Tổng hội, cùng các ông Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Lê Viết Hường, Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa); đồng thời, ông là Tổng thư ký Hội Ái Hữu Việt kiều và làm chủ bút tờ báo của Hội.

Mùa hè năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm hữu nghị chính thức nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp và đoàn Chính phủ Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn cũng sang dự Hội nghị Fontainebleau, Võ Quý Huân cùng các vị trong Ban Trị sự Tổng hội Việt kiều, tích cực tổ chức các hoạt động chào mừng và làm hậu thuẫn, ủng hộ cho việc đàm phán của phái đoàn Chính phủ ta; tổ chức quay phim, chụp ảnh tư liệu. Gần một nghìn mét phim tư liệu quý giá do Võ Quý Huân và Mai Trung Thứ quay, nửa thế kỷ sau đã được đạo diễn Phạm Kỳ Nam sưu tầm và sử dụng trong phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”.

Chính vì rất tích cực hoạt động tại Pháp nên sau lời tiến cử của ông Tạ Quang Bửu và lời giới thiệu của ông Trần Ngọc Danh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng đã chọn Võ Quý Huân tham gia làm thư ký giúp việc cho phái đoàn.

“Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã gắng sức rất nhiều trong công việc kháng chiến..."

(Trích thư Bác Hồ gửi bác sỹ Trần Hữu Tước, ngày 20/9/1947)

Ngày 16/9/1946, chuyến tàu hỏa đặc biệt, có hai toa dành riêng, đưa Hồ Chủ tịch và 6 người tháp tùng, gồm: Thư ký Đỗ Đình Thiện (nhà tư sản yêu nước, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp), Đại tá cận vệ Vũ Đình Huỳnh, cùng 4 trí thức Việt kiều là bác sỹ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Đình Quỳnh, kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau này là Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa) và kỹ sư Võ Quý Huân, rời Paris xuôi về phía Nam để lên tàu về nước.

Khi về nước, kỹ sư Võ Quý Huân được giao nhiệm vụ Chánh văn phòng Bộ Kinh tế. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông được giao trọng trách Giám đốc Sở Khoáng chất Kỹ nghệ Trung Bộ kiêm Giám đốc Nhà máy Kim khí kháng chiến 3KC. Cuối năm 1947, ông cùng các cộng sự chế tạo thành công máy nghiền giấy và các thiết bị khác. Ngày 20/9/1947, trong thư gửi bác sỹ Trần Hữu Tước, Bác Hồ viết: “Nói chú biết, chú mừng: Tôi vẫn mạnh khỏe luôn. Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã gắng sức rất nhiều trong công việc kháng chiến”...

Được sự động viên của Bác, ngày 15/11/1948, lò cao ở Cầu Đất, Con Cuông, Nghệ An do Võ Quý Huân trực tiếp chỉ đạo đã cho ra mẻ gang đầu tiên từ quặng sắt Vân Trì, Nghi Lộc. Dòng suối gang chảy ra trong sự reo hò của cán bộ, công nhân cùng bà con Cầu Đất, Con Cuông. Ông cùng các cộng sự đã dùng các thỏi gang đầu tiên đúc tượng Bác Hồ, tri ân Người đã đưa các trí thức yêu nước từ Pháp trở về, xây dựng lò luyện kim ngay trên quê hương Xô viết; đồng thời muốn báo cáo với Bác ngành đúc - luyện kim non trẻ của Việt Nam đã có sản phẩm đầu tay phục vụ kháng chiến. 

Năm 1950, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, cần tăng cường cán bộ cho mặt trận nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, kỹ sư Võ Quý Huân được điều động lên Việt Bắc nhận nhiệm vụ Trưởng ban Kỹ thuật của Cục Quân giới. Sẵn có vốn tri thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế phong phú, cùng với nhiều loại tài liệu kỹ thuật mang từ Pháp về, kỹ sư Võ Quý Huân đã sát cánh cùng đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu quân giới giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn chế tạo lò điện hồ quang để nấu luyện thành công hợp kim đồng, kẽm, nhôm, gang xám. Cuối năm 1950, mẻ thép đầu tiên luyện trong lò hồ quang thí nghiệm đã thành công ở Nà Làng (Tuyên Quang). Đó là cơ sở để năm 1951, Cục Quân giới quyết định xây lò hồ quang luyện thép quy mô công nghiệp ở Bản Thi (Bắc Kạn). Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo vật liệu phục vụ sản xuất vũ khí, kỹ sư Võ Quý Huân rất quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật. Trường cán bộ Kỹ thuật Trung Bộ do ông đề xuất thành lập và trực tiếp giảng dạy. Cuối năm 1947 đã có 22 học viên kỹ thuật tốt nghiệp ra trường. Trong số đó có nhiều người là nòng cốt của ngành luyện kim, như: Hoàng Bình, Hà Học Trạc, Lê Huy Yêm, Thái Duy Thẳm, Nguyễn Đình Nam…

Trở về Hà Nội sau 9 năm kháng chiến, đầu năm 1955, kỹ sư Võ Quý Huân được giao trọng trách Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Trung cấp I (tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày nay), với nhiệm vụ khẩn trương đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề để phục vụ khôi phục công nghiệp sau chiến tranh. Tháng 2/1955, khóa trung cấp kỹ thuật đầu tiên được khai giảng. Dù khó khăn chồng chất, nhưng bằng tâm huyết của mình, ông vừa trực tiếp giảng dạy, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước, như: Liên Xô, Ba Lan, Hungari... để xây dựng bộ giáo trình đào tạo hệ trung cấp kỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 1959, kỹ sư Võ Quý Huân được điều động về phụ trách Vụ Kỹ thuật, Bộ Công nghiệp nặng; Phó ban Cơ khí của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Trưởng bộ môn Đúc - Luyện kim của Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Ông là người sáng lập và có đóng góp rất lớn cho Hội Luyện kim Việt Nam.

Ghi nhận những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với niềm tin của Bác Hồ đã đưa ông về nước phụng sự Tổ quốc, năm 2011, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhất. Trước đó, vào năm 1999, ông cũng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

THÀNH ĐỨC

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: