CNQP&KT - Cách đây tròn 75 năm (15/9/1945), với tư duy khoa học và tầm nhìn chiến lược, chưa đầy nửa tháng sau ngày tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới - tiền thân của ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam ngày nay. Sự ra đời, phát triển của ngành Quân giới Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những kỳ tích của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, trở thành truyền thống vẻ vang, niềm tự hào sâu sắc; đồng thời là nguồn cội, động lực tinh thần thúc đẩy sự phát triển, trưởng thành của ngành CNQP Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Quân giới Việt Nam được thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói cùng với sự quan tâm sâu sắc của Người. Đó là những quan điểm cơ bản, phương châm chỉ đạo, định hướng chức năng, nhiệm vụ... làm cho ngành Quân giới Việt Nam được hình thành trên thực tế và từng bước trưởng thành, phát triển, đủ sức hoàn thành tốt trọng trách, nhiệm vụ được giao. ![]() Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức xây dựng ngành Quân giới Việt Nam là yêu cầu cấp thiết để sản xuất vũ khí đánh giặc cứu nước, cứu dân. Với tư duy sâu sắc “Người trước, súng sau” vừa chú trọng xây dựng, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, vừa quan tâm đúng mức đến vũ khí, trang bị, sau khi Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”1 mà cụ thể, thiết thực nhất ở thời điểm đó là “đánh giặc, trước hết phải có vũ khí”2. Để “giữ vững quyền tự do và độc lập” chúng ta phải “đem hết tinh thần và lực lượng”, chủ động sản xuất vũ khí để đánh giặc cứu nước, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Xây dựng, tổ chức lực lượng đảm nhiệm trọng trách sản xuất vũ khí đánh giặc cứu nước, cứu dân thấm đẫm giá trị nhân văn của dân tộc và thời đại. Nền tảng của chủ nghĩa nhân văn, giá trị tinh thần trong truyền thống của dân tộc là lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết. Trong truyền thống dựng nước và giữ nước, nhân dân ta luôn coi trọng làm việc “thiện”, gắn liền với chống cái “ác”. Đánh giặc cứu nước, cứu dân là yêu cầu cấp thiết, là việc làm nhân nghĩa; chính vì vậy, sản xuất vũ khí để đánh giặc cứu nước là việc làm cần kíp, là công việc đại nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: Nhiệm vụ của Quân giới Việt Nam là thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí; vừa coi trọng khai thác, sửa chữa, sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có, vừa quan tâm sản xuất vũ khí, trang bị mới. Là người am hiểu thế giới văn minh, đồng thời thấu hiểu những khó khăn, trở ngại của một đất nước vừa mới giành được độc lập, một dân tộc phải chịu trăm năm đô hộ của thực dân, khó khăn, thiếu thốn mọi thứ. Khả năng chế tạo được một khẩu súng trường mà các nước tiên tiến đã sản xuất hàng loạt nhiều thập kỷ trước đó vẫn là ước mơ đối với một đất nước non trẻ, nền kinh tế chậm phát triển, công nghiệp và vật liệu chế tạo chưa có gì. Trong điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam những năm đầu mới giành được độc lập, không có sự lựa chọn nào tốt hơn là phải vừa thu thập, mua sắm vũ khí, vừa chủ động tổ chức các cơ sở sản xuất vũ khí; luôn coi trọng khai thác, sửa chữa, sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có, đồng thời quan tâm chuẩn bị mọi điều kiện để từng bước tự sản xuất được các loại vũ khí, trang bị mới. Quá trình xây dựng, phát triển ngành Quân giới Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: Dựa vào nhân dân đề cao tính sáng tạo của nhân dân, phục vụ sát thực chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, đồng thời, sớm quan tâm đến sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị đáp ứng yêu cầu tác chiến ngày càng hiện đại. ![]() Quán triệt tư tưởng của Người, ngành Quân giới một mặt nhờ tuyên truyền vận động nhân dân cả nước hăng hái tham gia “tuần lễ vàng” để mua sắm vũ khí. Mặt khác, tập trung xây dựng các binh công xưởng để sản xuất các loại “vũ khí căn bản”, chủ yếu là lựu đạn, mìn… phục vụ chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Về quân sự, Vệ quốc quân và dân quân du kích thì thi đua rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh Quân đội. Các công xưởng thì thi đua chế tạo vũ khí cho nhiều, cho mau, cho tốt”3. Theo Chỉ thị của Đảng và Hồ Chủ tịch, ngành Quân giới đã nghiên cứu thử nghiệm - chế tạo thành công sung và đạn Bazoka, một loại vũ khí chống tăng hiện đại lúc bấy giờ, để thay thế đội cảm tử ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng, xe thiết giáp của địch. Sau đó, nhờ có thêm kinh nghiệm và điều kiện, trong khi vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất "vũ khí căn bản", Quân giới của ta đã tiến lên nghiên cứu - chế tạo thành công nhiều loại vũ khí khác hiện đại hơn, như: súng cối, súng không giật (SKZ), vũ khí công đồn... Chính nhờ quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn gắn bó mật thiết và đề cao tính sáng tạo của nhân dân, ngành Quân giới đã đứng vững và ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất vũ khí ngày càng cao trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cán bộ, kỹ sư, công nhân Quân giới đã luôn sáng tạo cả trong kỹ thuật và tổ chức, quản lý sản xuất. Từ học tập, nghiên cứu thiết kế vũ khí theo mẫu đã có, rồi thiết kế vũ khí mới theo nguyên lý hiện đại là cả một quá trình đầy khó khăn, nguy hiểm. Biết bao đồng chí đã hy sinh hoặc bị thương trong khi nghiên cứu - thí nghiệm - chế tạo, “phải đổi máu để có kỹ thuật”. Khi thiết kế, Quân giới ta không chỉ căn cứ vào mẫu có sẵn, mà còn phải căn cứ vào khả năng vật liệu hiện có, trình độ, thiết bị và công nghệ có hạn, yêu cầu của cách đánh trên chiến trường từng thời kỳ... để cải tiến sao cho phù hợp. Trong công nghệ chế tạo, Quân giới Việt Nam đã có nhiều sáng tạo cả về chế tạo vũ khí và chế tạo nguyên vật liệu để làm ra vũ khí; cải tiến và chế tạo được nhiều vũ khí có hiệu lực, nâng cao hiệu quả sử dụng của một số loại vũ khí hiện đại do các nước bạn sản xuất. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sản xuất vũ khí để đánh giặc cứu nước là việc làm đại nghĩa, cho nên phải đoàn kết, tập hợp trí thức, thu phục nhân tâm, trọng dụng tài năng, không ngừng phát triển khoa học - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.
Mục đích, ý nghĩa của sản xuất vũ khí là để đánh giặc cứu nước, đó là việc làm chính nghĩa, chống chiến tranh xâm lược, mang tính chất hòa bình, tự vệ vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, do đó, cần phải quy tụ sức mạnh, đoàn kết, tập hợp tất cả nhân tài của đất nước, thu phục nhân tâm, phát huy đội ngũ trí thức được đào tạo ở trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đất nước bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian, công sức để thu phục nhân tâm, quy tụ đội ngũ trí thức ưu tú. Người đã trực tiếp thuyết phục, động viên, giao nhiệm vụ cho kỹ sư Phạm Quang Lễ - một trí thức do Pháp đào tạo - đứng đầu ngành Quân giới Việt Nam và được Người đặt cho tên mới là Trần Đại Nghĩa. Trên đường về, Người căn dặn Phạm Quang Lễ: “Chú về phải lo ngay việc chế tạo vũ khí. Sớm muộn, thế nào ta cũng phải đánh nhau với Pháp”4. Người còn trực tiếp tuyển chọn, khích lệ nhiều cán bộ, công nhân Quân giới đem hết khả năng phục vụ đất nước. Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều trí thức yêu nước, nhiều cán bộ, công nhân Quân giới đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, trở thành cán bộ quản lý chủ chốt, cán bộ kỹ thuật đầu ngành trong Quân đội và các ngành khoa học kỹ thuật của đất nước. Có thể nhiều người còn chưa biết, năm 1951, trong điều kiện kháng chiến còn muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 21 cán bộ, học sinh sang Liên Xô học tập. Đây được coi là đoàn du học sinh đầu tiên của Việt Nam được ra nước ngoài đào tạo. Trong đó có 5 người đang công tác trong ngành Quân giới là Phạm Như Vưu, Lê Văn Chiểu, Hoàng Văn Lãn, Phạm Đồng Điện và Nguyễn Đức Thừa. Buổi gặp mặt, giao nhiệm vụ cho đoàn, Bác dặn: “Các chú sắp được sang học ở Liên Xô, là nước có trình độ khoa học - kỹ thuật cao. Các chú sang đó học, nên học cái gì thiết thực, dân cần dùng. Các chú đi học xa nước nhà, cần chú ý giữ gìn tư cách cho đúng đắn”5. Những “hạt giống đỏ” được cử đi Liên Xô năm ấy, sau khi về nước đã trở thành những cán bộ cốt cán trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Quân giới. Quá trình xây dựng ngành Quân giới Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải đề cao ý chí tự lực, tự cường, giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Xây dựng ngành Quân giới Việt Nam đủ sức hoàn thành trọng trách sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu kháng chiến, kiến quốc là cả một quá trình vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Vì vậy, cần phải đề cao ý chí quyết tâm, phát huy tinh thần tự lực, tự cường; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn, truyền thống, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; huy động mọi nguồn lực, tiềm năng, tính sáng tạo của con người Việt Nam. Quá trình xây dựng và thực hiện nhiệm vụ của ngành Quân giới phải luôn giữ vững quyền độc lập, tự chủ, dựa vào nội lực là chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, biết tranh thủ tối đa sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Người từng căn dặn: “Chúng ta cần biết ơn sự giúp đỡ của các nước anh em, cần học hỏi các đồng chí chuyên gia bạn. Nhưng phải biết tự lực cánh sinh là chính”6. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Quân giới không chỉ đặt nền tảng cho sự ra đời của ngành Quân giới Việt Nam, mà còn chỉ đạo, định hướng xuyên suốt, bảo đảm cho Quân giới Việt Nam trưởng thành nhanh chóng, vững chắc, hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách, nhiệm vụ được giao. Thực tiễn xây dựng ngành Quân giới - CNQP 75 năm qua đã khẳng định, chứng minh ý nghĩa to lớn và giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Quân giới Việt Nam. Từ những kinh nghiệm của lịch sử, từ đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, hơn lúc nào hết, chúng ta phải quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Quân giới Việt Nam, làm cho ngành CNQP ngày càng trưởng thành, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở những tư tưởng định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tình hình mới, cần quán triệt sâu sắc phương hướng, nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển CNQP là chương trình, mục tiêu trọng điểm quốc gia. Vũ khí, trang bị kỹ thuật là do CNQP sản xuất phải phù hợp với chiến lược trang bị của lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự trong mọi tình huống”. Quán triệt sâu sắc quan điểm, phương châm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành CNQP Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ từ nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí trang bị cho lục quân sang nghiên cứu, sản xuất vũ khí cho các quân, binh chủng và nâng cao khả năng tự động hóa, đáp ứng yêu cầu chỉ huy tác chiến bằng các hệ thống tự động hóa - điều khiển trong chiến tranh công nghệ cao; đồng thời, hướng đến thực hiện một số nhiệm vụ trọng điểm mang tính đột phá, mũi nhọn để tiếp cận và làm chủ các ngành công nghệ mới liên quan đến chế tạo vũ khí có điều khiển cho các lực lượng; dành sự quan tâm tương xứng cho nghiên cứu, sản xuất và nâng cao chất lượng các chủng loại vũ khí lục quân đạt trình độ tiên tiến, hiện đại tương đương với khu vực và thế giới. Trong tình hình mới, cần quán triệt, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của ngành Quân giới - CNQP, có chiến lược tổng thể, lâu dài và toàn diện về xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho ngành CNQP có đủ bản lĩnh, trình độ, năng lực ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần phải có cơ chế, chính sách đồng bộ, toàn diện để thu hút, trọng dụng những tinh hoa của đất nước, ưu tiên đặc biệt phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNQP. Quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao, đội ngũ kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu ngành tài năng, tâm huyết vì sự phát triển của CNQP Việt Nam. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Quân giới Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ phát triển CNQP hiện nay, là thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó để mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên ngành CNQP rèn luyện thêm ý chí, xác định thêm trách nhiệm, tích lũy thêm kiến thức, góp phần xây dựng, phát triển ngành CNQP Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trung tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP ____________________ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 16. 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 397. 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 170. 4. Bộ Quốc Phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2011), Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919 - 1969), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.211. 5. “Từ lời dặn và nhiệm vụ Bác giao”, Tạp chí CNQP&KT số 1/2020, tr98. 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 441. |