Z183 vươn xa những sản phẩm “thuần cơ khí”28/11/2018(CNQP&KT) - Nhà máy Z183 bắt đầu hành trình từ “vượt khó” đến “vươn xa” cách đây gần một thập niên. Nhìn lại chặng đường đã qua, lãnh đạo, chỉ huy và mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy đều có quyền tự hào về những đóng góp công sức và nỗ lực của mình cho sự phát triển của doanh nghiệp hôm nay.
Tư duy mới, cách làm mới Z183 từng là nỗi trăn trở của lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP). Bởi, ở thời điểm 10 năm trước, Nhà máy là đơn vị thuộc diện khó khăn nhất Tổng cục. Trước “cái khó” của đơn vị, Tổng cục đã có những định hướng và tạo điều kiện cụ thể, tuy nhiên, trong bối cảnh nhiệm vụ sản xuất quốc phòng ngày càng giảm, đòi hỏi Z183 phải “tự thân vận động”, mở hướng phát triển sản xuất hàng kinh tế. Chỉ khi đứng vững bằng cả “hai chân” quốc phòng và kinh tế, Z183 nói riêng và các doanh nghiệp quốc phòng nói chung mới đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Cần phải nói rằng, “giải bài toán kinh tế” luôn làm đau đầu những nhà quản lý, nhất là trong cơ chế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt. Là một nhà máy sản xuất quốc phòng “thuần cơ khí”, lại đóng quân ở vùng xa, nên việc phát triển sản xuất kinh tế của Nhà máy Z183 gặp rất nhiều trở ngại. Lúc này, yêu cầu đặt ra đối với Nhà máy là, trên cơ sở năng lực trang, thiết bị và đội ngũ lao động hiện có, phải tìm được những giải pháp căn cơ và toàn diện để đẩy mạnh sản xuất kinh tế. Đại tá Đỗ Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà máy, bồi hồi nhớ lại: “Z183 đã phải trải qua một khoảng thời gian “nước sôi lửa bỏng” khi việc làm thiếu hụt, đời sống khó khăn, khiến người lao động băn khoăn, lo lắng; thậm chí có người xin chuyển công tác. Với quyết tâm xốc lại đội hình, vực dậy Nhà máy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị xác định, không trông chờ ỷ lại vào nhiệm vụ quốc phòng được giao mà phải tích cực, chủ động phát triển sản xuất kinh tế. Cần có tư duy mới, cách làm mới, bởi mục tiêu trọng tâm mà Nhà máy đặt ra là sản xuất sản phẩm kinh tế xuất khẩu.” Sản xuất hộp sắt xuất khẩu ở Phân xưởng Dập A4 (Nhà máy Z183). Ảnh: TRẦN LÊ Mốc thời gian được xác lập trong hành trình vượt khó của Z183 là vào năm 2010, Nhà máy tiến hành sản xuất và trực tiếp xuất khẩu sản phẩm. “Vạn sự khởi đầu nan” và có “va đập” mới biết mình thiếu gì, yếu gì, thị trường cần gì? Với một đơn vị đang tìm cách vươn lên từ khó khăn, lại không có lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý, thì đây là mục tiêu táo bạo và cần rất nhiều tâm sức mới có thể đạt được. Thượng tá Vương Chí Toại, Giám đốc Nhà máy, kể rằng, thời điểm Nhà máy bắt đầu đẩy mạnh sản xuất kinh tế, anh đang làm Trưởng phòng Kế hoạch. Vị trí này vẫn được gọi là “tham mưu trưởng nhà máy” nên đồng nghĩa với việc nhiều phen anh “ăn không ngon, ngủ không yên” vì nỗ lực tìm giải pháp giúp Nhà máy phát triển. Cũng chính từ những năm tháng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trong thực tế đã giúp anh thấu tỏ nhiều vấn đề rất cần thiết cho công tác lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp sau này. Theo Giám đốc Vương Chí Toại: Yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công bước đầu của Z183 trong phát triển kinh tế, đó là do đơn vị luôn tìm tòi sáng tạo và quản trị hiệu quả. Không có lợi thế gần trung tâm kinh tế lớn, nên Z183 hướng tới sản xuất sản phẩm đặc biệt để thu hút những khách hàng đặc biệt. Và như vậy, sản phẩm cần có hàm lượng sáng tạo, mẫu mã, yêu cầu kỹ thuật cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Để làm được điều này, Nhà máy quan tâm đầu tư cho khâu chế thử sản phẩm. Khách hàng chỉ cần nêu ý tưởng, yêu cầu, đơn vị sẽ tự bỏ chi phí chế thử sản phẩm để chào hàng. Cách làm này mang lại hiệu quả rõ rệt khi 50% sản phẩm chế thử trong năm 2017, 2018 của Nhà máy đã được khách hàng chấp nhận và ký hợp đồng. Để sản xuất kinh tế đạt hiệu quả, Z183 đặc biệt quan tâm đến quản trị sản xuất. Cụ thể là Nhà máy đã rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật từng sản phẩm để tránh lãng phí. Nhà máy sắp xếp ca sản xuất hợp lý, hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm nhằm tiết kiệm điện năng. Đối với vật tư cho sản xuất, Nhà máy thực hiện đấu thầu cạnh tranh và nhập khẩu trực tiếp để lựa chọn được vật tư chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời, Nhà máy tiến hành sắp xếp lại trang, thiết bị và hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, giảm tối đa chi phí; tự bỏ chi phí mua bổ sung trang, thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất. Đặc biệt, Nhà máy đã tự nghiên cứu chế tạo dây chuyền sơn tĩnh điện, sử dụng đạt kết quả tốt. Giám đốc Vương Chí Toại cho biết: “Sản xuất kinh tế luôn phải tính toán sao cho giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nên quản trị tốt sẽ mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao.” Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững Giờ đây, đến Z183 vào bất cứ thời điểm nào trong năm, mọi người đều có thể chứng kiến không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương ở các phân xưởng sản xuất. Hiện nay, Nhà máy đã có 4 mặt hàng xuất khẩu thường xuyên và có đơn hàng đều đặn cả năm là bếp nướng, hộp sắt, bán thành phẩm bếp nướng và bán thành phẩm đèn bàn. Đặc biệt, đối với sản phẩm hộp sắt xuất khẩu, chỉ trong vòng 3 năm, sản lượng đã tăng lên hàng chục lần. Năm 2015, Nhà máy mới được đặt hàng 50.000 sản phẩm, đến năm 2018, con số này đã tăng lên 500.000 sản phẩm và dự kiến năm 2019 sẽ là 600.000 sản phẩm. Kết quả này thể hiện sự tin tưởng của đối tác Singapore dành cho Nhà máy. Cũng vì sản lượng tăng cao, nên không khí sản xuất ở Phân xưởng Dập A4 luôn “căng như dây đàn”. Đại úy Nguyễn Đức Việt, Quản đốc Phân xưởng cho biết: Khi nhiệm vụ tăng gấp 10 lần mà quân số tăng không đáng kể, thì yêu cầu đặt ra là phải tập trung đào tạo con người. Cùng với trang, thiết bị đã được Nhà máy đầu tư, Phân xưởng quan tâm huấn luyện đội ngũ lao động, tạo tác phong làm việc khoa học, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Hiện nay, mỗi người lao động có thể phụ trách 2 máy sản xuất; thợ nguội, hàn có thể làm được việc của thợ dập, mài… Người lao động cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành các nội quy, quy chế tại nơi làm việc, do đó năng suất lao động đã tăng gấp 4 lần so với trước đây. Phân xưởng Dập A4 có thu nhập cao nhất Nhà máy, với lương bình quân đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng. Công nhân Hoàng Thị Thanh Thúy, phấn khởi kể rằng: “Hai vợ chồng chị cùng làm ở Nhà máy nên thu nhập có cao hơn so với bạn bè bên ngoài, trong mắt họ, gia đình chị thuộc diện có “của ăn của để”. Được như vậy cũng là nhờ sự phát triển đi lên của Nhà máy, vợ chồng chị rất phấn khởi và yên tâm công tác.” Nhà máy Z183 đầu tư trang, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế. Ảnh: THÁI ANH Ở Phân xưởng Sơn A5, không khí làm việc cũng sôi nổi không kém. Bởi đây là nơi sơn hộp sắt xuất khẩu. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm, Nhà máy đã tự chế tạo dây chuyền sơn tĩnh điện và đến nay, cả dây chuyền và nhà xưởng đều phải nhân đôi mới đủ để thực hiện nhiệm vụ. Đại úy QNCN Đào Việt Cường, Phó Quản đốc Phân xưởng cho biết: Do các quy trình đều được tự động hóa, cộng với ý thức trách nhiệm của người lao động nên tỷ lệ lỗi hỏng sản phẩm hầu như không có. Bề mặt sơn trên hộp sắt luôn đảm bảo độ dày theo yêu cầu kỹ thuật, mịn và đều màu, được khách hàng đánh giá cao”. Những năm gần đây, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Z183 luôn có sự tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2017, doanh thu sản xuất kinh tế của Nhà máy tăng 10%; năm 2018 dự kiến tăng 15% so với năm 2017. 2018 cũng là năm Nhà máy có sự tăng trưởng mạnh trong sản xuất hàng kinh tế xuất khẩu, dự kiến đạt trên 3 triệu USD (so với kế hoạch là 2 triệu USD), chiếm 40% tổng doanh thu hàng kinh tế. Ngoài các đối tác thường xuyên là Singapore, Italia, Hy Lạp, Đức, Nhà máy đang tiến hành chế thử sản phẩm và đàm phán với hai đối tác Nhật Bản và Mỹ. Giám đốc Vương Chí Toại chia sẻ: Nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm, hợp tác chặt chẽ với khách hàng cũ và thu hút thêm khách hàng mới là yêu cầu thường trực đối với Nhà máy Z183. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Nhà máy còn rất nhiều việc phải làm, như: Tiếp tục mở rộng mặt bằng sản xuất; bồi dưỡng, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực giỏi kinh tế và thương mại quốc tế… Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, Nhà máy Z183 tự tin vươn xa và sẵn sàng chinh phục những mục tiêu lớn hơn, cao hơn trong hành trình khẳng định mình. HÀ ANH
|