CNQP&KT - “Kinh tế số” hay thương mại điện tử (TMĐT) là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế mới, mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao trong khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hòa.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì TMĐT càng trở nên hữu ích, giúp kết nối doanh nghiệp với khách hàng khi thực hiện cách ly xã hội.

TIỀM NĂNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM

“Kinh tế số” là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội… chính là những dấu ấn của kinh tế số hóa trong đời sống của người dân Việt Nam những năm gần đây. Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Thực tế cũng cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực TMĐT của Việt Nam rất lớn.

Theo nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu thuộc Đại học Tufts (Mỹ), hiện Việt Nam xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa. Còn theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2018, TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Báo cáo cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực rất lớn. Cụ thể, đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2018 thông qua mạng xã hội tăng 39%, tiếp theo là 32% thông qua website. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2019, hệ thống chuyển mạch NAPAS tăng trưởng 80,2% về tổng số lượng giao dịch và 170,6% về tổng giá trị giao dịch so với năm 2018. Đặc biệt, cơ cấu giao dịch thông qua hệ thống NAPAS có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM sang chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng (tăng từ 26% năm 2018 lên 48% năm 2019). Xu hướng này thể hiện rõ sự chuyển dịch thói quen của khách hàng từ việc chi tiêu bằng tiền mặt sang thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2019 đạt từ 100% đến 200%. Nếu như tính đến cuối năm 2016, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam khoảng 4 tỷ USD thì dự báo, với sự tăng trưởng cao và liên tục, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD trong lương lai gần.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website TMĐT, như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo… việc mua sắm online đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2020, dự kiến tại Việt Nam có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt doanh số 350 USD/người.

CƠ HỘI ĐỘT PHÁ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, các hình thức TMĐT được kỳ vọng sẽ tạo đột phá khi có cơ hội thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Cách ly xã hội bắt buộc trong thời gian dài khiến nhiều người dân hạn chế ra đường nên việc tìm đến những cách thức mua hàng trực tuyến, thanh toán online là cơ hội cho TMĐT phát triển.

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ tiền mặt, khuyên người dân nên chuyển sang các dạng thức thanh toán điện tử. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy ATM. Việc khuyến khích người dân tăng cường sử dụng thanh toán điện tử thay vì thói quen dùng tiền mặt cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT tại Việt Nam.

Trong thời gian diễn biến dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 25%-30% và tập trung ở một số nhóm hàng thiết yếu.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự tăng trưởng của các dịch vụ giao nhận hàng hóa, giao nhận thức ăn... mùa dịch bệnh là mang tính tình huống, trong bối cảnh mọi người hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, nếu các doanh nghiệp chứng minh được chất lượng, sự tiện lợi thì người tiêu dùng sẽ dần thay đổi thói quen, chuyển sang các dịch vụ trực tuyến, sử dụng TMĐT nhiều hơn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp TMĐT giới thiệu sản phẩm của mình tới những khách hàng mới; đồng thời, nâng cấp, đa dạng dịch vụ để phục vụ tốt hơn nhóm đối tượng khách hàng cũ.

Ngoài ra, do tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế có thể còn kéo dài, thị trường biến động kéo theo nhiều thiệt hại, bất lợi nhưng cũng mở ra cơ hội cho một số ngành nghề, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến. Lúc này, TMĐT không chỉ mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dùng mà còn giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thêm doanh thu trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Do vậy, nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội, cho ra đời các sản phẩm mới thì đây rõ ràng là cơ hội để tạo ra đột phá cho thị trường TMĐT Việt Nam.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian diễn biến dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua TMĐT tăng từ 25%-30% và tập trung ở một số nhóm hàng thiết yếu, như: thức ăn nhanh; lương thực, thực phẩm chế biến… Đặc biệt, phương thức thanh toán cho các giao dịch TMĐT cũng ngày càng linh hoạt đã tạo sự thuận tiện và gia tăng niềm tin của khách hàng.

Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cơ hội để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh theo hướng TMĐT để vượt qua thách thức. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn TMĐT sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.

QUẢN LÝ HIỆU QUẢ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Bên cạnh những mặt tích cực đáng ghi nhận, thị trường TMĐT cũng còn nhiều bất cập, thậm chí là hoạt động gian lận. TMĐT có thể trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, xâm phạm bản quyền về hình ảnh, quyền sở hữu trí tuệ… làm mất lòng tin và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đặc biệt, với thanh toán điện tử để lần tìm vết người bán, người mua hết sức khó khăn do các quy định của ngân hàng; sàn TMĐT chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả.

Do vậy, hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang tăng cường sử dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT, như: dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn TMĐT, liên kết giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng để nhận biết các sàn TMĐT uy tín. Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; xây dựng hệ thống tiếp nhận giải quyết khiếu nại liên quan đến hàng giả, hàng nhái… để bảo vệ người tiêu dùng.

Năm 2020, dự kiến tại Việt Nam có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt doanh số 350 USD/người. Dự báo, với sự tăng trưởng cao và liên tục, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD trong lương lai gần.

                                     (Nguồn: Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam)

Gần đây nhất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có văn bản yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng TMĐT phải kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ các hàng hóa vi phạm. Tính đến đầu tháng 3/2020, đã có 8.900 trên tổng số 750.000 gian hàng bị thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm; đã có gần 2,8 triệu sản phẩm bị gỡ bỏ khỏi website và xử lý hậu kiểm, đa số là các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian tới, các biện pháp này sẽ tiếp tục được triển khai mạnh hơn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng kế hoạch sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra căn cứ vào phản ánh của người tiêu dùng, nếu có phát hiện vi phạm có thể tước đăng ký kinh doanh hoặc thông báo gỡ bỏ website…

Bên cạnh việc tăng cường các giải pháp hạn chế vi phạm trong lĩnh vực TMĐT của các cơ quan chức năng, thì người tiêu dùng cũng cần phải biết cách mua hàng an toàn, hiệu quả trên môi trường này. Cụ thể là nên chọn cách mua hàng thông minh, mua ở những website uy tín, thông tin rõ ràng, bài bản và có dấu chứng nhận bởi Bộ Công Thương ở chân website hoặc các sàn TMĐT. Người tiêu dùng cũng có thể xem xét người bán hàng online, vì các sàn giao dịch hoặc website có uy tín bao giờ cũng có chứng nhận đảm bảo chất lượng hoặc chứng nhận của bên thứ 3; đồng thời có thể sử dụng phương thức giao hàng tận nơi, kiểm tra hàng rồi mới thanh toán. Và đặc biệt lưu ý các hành vi như thông tin không rõ ràng, gửi tiền trước, rồi mập mờ… để hạn chế tối đa nguy cơ bị lừa đảo, mất an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử.

NGUYỄN PHƯƠNG ANH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: