(CNQP&KT) - Mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại về quốc phòng nói chung và hợp tác quốc tế nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm do ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) sản xuất nói riêng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để xây dựng, phát triển CNQP đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế là nội dung cụ thể hóa nhiệm vụ kết hợp quốc phòng - an ninh  với kinh tế - xã hội nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực mới cho xây dựng, phát triển CNQP đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập. Hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế giữ vai trò quan trọng góp phần xây dựng, củng cố “lòng tin chiến lược”, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, hợp tác phát triển, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở tuân thủ và phù hợp với luật pháp trong nước và thông lệ quốc tế.

Những năm trước đây, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kéo theo sự biến động lớn về giá nguyên, phụ liệu, vật tư đầu vào đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành CNQP các nước, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các cường quốc về CNQP như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp và các nước đang phát triển trong khu vực đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu các sản phẩm quân sự ra thị trường nước ngoài. Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình xây dựng và phát triển về CNQP cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Việc kết hợp chặt chẽ các hoạt động thương mại quân sự, kinh tế quân sự, kỹ thuật quân sự và hợp tác CNQP với các hoạt động đối ngoại quốc phòng khác thành một thể thống nhất để thực hiện các mục tiêu hội nhập quốc tế là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho ngành CNQP, qua đó nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế.

 

Sản phẩm bu lông do Nhà máy Z111 sản xuất.          Ảnh: SỸ HÙNG

Trong thời gian qua, CNQP nước ta đã được đầu tư phát triển năng lực mới, các sản phẩm CNQP và kinh tế đã tăng về chủng loại, số lượng và chất lượng. CNQP Việt Nam đã tiếp thu, nhận chuyển giao công nghệ, làm chủ nhiều dây chuyền, thiết bị hiện đại, trên cơ sở đó đã tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất được một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho lục quân và sản xuất, cải tiến được một số VKTBKT tiên tiến, hiện đại cho một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đồng thời, sản xuất được nhiều chủng loại vật tư, nguyên liệu đạt tiêu chuẩn phục vụ cho sản xuất quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu…

Các cơ quan, doanh nghiệp quốc phòng đã chủ động, tích cực trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác xuất, nhập khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế với các nước, nhất là đối tác truyền thống, các đối tác mới có thế mạnh về CNQP. Theo thống kê, 5 năm gần đây, tỷ trọng sản xuất hàng kinh tế của hầu hết các doanh nghiệp CNQP chiếm từ 65% đến 75% giá trị tổng sản lượng. Do đó, đã phát huy khá tốt năng lực dây chuyền mới được đầu tư, sức cạnh tranh về sản phẩm của các doanh nghiệp quốc phòng từng bước được nâng lên. Từ nguồn thu sản xuất hàng kinh tế và xuất khẩu, một số doanh nghiệp đã chủ động tái đầu tư hiện đại hóa dây chuyền công nghệ để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu sản xuất, xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, có một số sản phẩm do CNQP sản xuất có chỗ đứng trên thị trường, nhất là các chủng loại tàu (cả quân sự và kinh tế), vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, cao su kỹ thuật cao, hợp kim đồng, nhôm, sản phẩm gia dụng xuất khẩu; các chuyên ngành quang học, điện tử, cơ khí, hóa chất, công nghiệp phụ trợ… cũng có những bước tiến mới.

Tuy bước đầu đã có sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng các doanh nghiệp CNQP đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt cả về chất lượng và giá cả, đặc biệt phải cạnh tranh với các nước có thế mạnh khoa học công nghệ về CNQP hiện đại. Các doanh nghiệp chưa thực sự có sản phẩm mũi nhọn, chủ yếu là gia công hoặc sản xuất bán thành phẩm, khả năng vươn ra thị trường thế giới và khu vực còn hạn chế. Cùng với đó, các doanh nghiệp CNQP còn gặp khó khăn trong giải quyết các thủ tục pháp lý trong nước và quốc tế liên quan đến xuất khẩu sản phẩm như: Xuất xứ hàng hóa, mẫu mã sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ…

Từ những khó khăn thách thức về sản xuất, xuất  khẩu trong những năm qua đã đặt ra yêu cầu cần mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế, cụ thể là:

Thứ nhất, đẩy mạnh mở rộng hợp tác thị trường xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế.

Hợp tác quốc tế nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế là sự cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, phục vụ cho việc củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia. Trong những năm qua, CNQP Việt Nam đã thực hiện bước chuyển biến căn bản từ chú trọng mở rộng quan hệ với các nước và đưa mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định. Tiếp tục đẩy mạnh, làm sâu sắc mối quan hệ đa phương và song phương giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các đối tác truyền thống và các đối tác tiềm năng. Mở rộng  hợp tác quốc tế  nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế cần mở rộng thị trường, tham gia tích cực vào thị trường CNQP của thế giới và khu vực. Trong nền kinh tế thị trường, mọi quá trình sản xuất sản phẩm đều chịu áp lực rất lớn của các quy luật cung - cầu; giá cả và giá trị; quy luật cạnh tranh. Vì vậy, để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cần phải nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế quản lý và cơ cấu lại các doanh nghiệp quốc phòng, chú trọng các doanh nghiệp CNQP nòng cốt, phát huy quyền tự chủ về tài chính và sản xuất, kinh doanh của các cơ sở CNQP với mục tiêu huy động được các nguồn lực cho phát triển CNQP.  

Hợp tác ổn định và mở rộng thị trường với các đối tác truyền thống, láng giềng, đối tác khu vực Đông Nam Á… là hướng ưu tiên hàng đầu để bảo đảm sự ổn định về nguồn cung các chủng loại vật tư chủ yếu cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả hợp tác nghiên cứu phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thiết kế chế tạo và xuất khẩu.Mở rộng thị trường và hợp tác trên từng lĩnh vực cụ thể về sản xuất và xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế phù hợp với nhu cầu của từng đối tác. Tận dụng cả chuyển giao công nghệ cao và thiết bị, vật tư công nghiệp lưỡng dụng để phục vụ cho phát triển CNQP và phát triển kinh tế đất nước.

Đẩy mạnh hội nhập thị trường quốc tế về sản phẩm CNQP trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, lợi ích và tuân thủ nghiêm luật pháp Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu hàng kinh tế, hàng lưỡng dụng. Từng bước đột phá trong hoạt động xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết để thu hút các nguồn lực phục vụ xây dựng và phát triển CNQP.

 

Sản phẩm các loại dây và cáp điện do Nhà máy Z143 sản xuất.        Ảnh: HỒNG HẠNH

 Thứ hai, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý có liên quan và năng lực của cơ quan tham mưu về hợp tác quốc tế.

Trước hết, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ và nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu của hệ thống cơ quan chuyên môn hợp tác quốc tế về xuất, nhập khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế. Nâng cao chất lượng công tác khảo sát nắm bắt nhu cầu thị trường quốc tế và tổ chức đàm phán lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết cùng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm. Cần nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương cũng như các nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, cần có sự liên kết đồng bộ hơn trong quá trình xác định, lựa chọn đối tác, nghiên cứu, đàm phán, thực thi các văn kiện pháp lý quốc tế, cũng như trong đấu tranh, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập, hợp tác quốc tế về xuất khẩu các sản phẩm  CNQP và kinh tế. Nghiên cứu ban hành và đồng bộ hóa các văn bản pháp lý của Việt Nam về xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các cơ quan, doanh nghiệp quốc phòng phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm CNQP và kinh tế, theo đó cần có kế hoạch trung hạn, dài hạn để bảo đảm tính bền vững trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm CNQP và kinh tế.

Mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả xuất khẩu các sản phẩm CNQP và kinh tế trong thời kỳ hội nhập là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược nhằm cụ thể hóa chủ trương, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về xây dựng, phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, cụ thể hóa nghị quyết của Quân ủy Trung ương về hợp tác quốc tế đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nhằm huy động mọi nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng, phát triển CNQP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH HOÀN

 Viện Chiến lược Quốc phòng

 

 

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: