CNQP&KT - Không nhiều người biết rằng ngay từ ngày còn du học ở Pháp, chàng sinh viên Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) đã nghiên cứu về Bazooka. Với niềm đam mê kỳ lạ đối với loại vũ khí này, Phạm Quang Lễ đã tập trung tìm hiểu, nghiên cứu sâu về Bazooka để chờ thời cơ trở về phục vụ Tổ quốc.

Tháng 12/1981, đoàn làm phim "Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình" đến Hà Nội. Một trong những chương trình đầu tiên trong lịch trình làm việc dày đặc của họ là tìm đến Viện Khoa học Việt Nam để gặp Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Họ đến gặp ông không phải để quay bộ phim trên, mà là để phỏng vấn về Bazooka theo "đơn đặt hàng đặc biệt" của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Pháp. Câu chuyện về "Trần Đại Nghĩa với Bazooka" không còn là điều mới lạ với nhiều cựu binh Pháp từng tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Song, đối với các nhà quân sự Pháp thì xoay quanh câu chuyện này còn ẩn chứa nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi này hé lộ nhiều tình tiết khá hấp dẫn và mới mẻ để có thể viết tiếp câu chuyện "Trần Đại Nghĩa với Bazooka".

Theo Giáo sư Trần Đại Nghĩa thì trong cuộc gặp gỡ này, ông còn nhận được lá thư của một người bạn ở Pháp ngỏ ý muốn mời Viện sĩ sang Pháp sinh sống quãng đời còn lại. Tuy nhiên, ông đã cảm ơn và từ chối lời mời đó vì "không phải ngẫu nhiên mà tôi đã quyết định trở về Tổ quốc khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và có cuộc sống sung túc. Một khi đã trở về thì dù cuộc sống có khó khăn thiếu thốn đến mấy, mọi người chịu được tôi cũng chịu được. Ước vọng cả đời tôi là được theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, được cống hiến cho đất nước, vì vậy mà tôi không bao giờ có ý định xa rời quê hương đất nước của mình được".

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Trưởng đoàn vào đề luôn:

- Thưa ngài, theo ý kiến của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Pháp, chúng tôi muốn phỏng vấn ngài về vũ khí Bazooka.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa hỏi lại: "Tại sao lại chỉ hỏi về Bazooka"?

Nhà báo Bớc-set, một thành viên trong đoàn cho biết: Với nhiều người Pháp như chúng tôi, nhất là các cựu binh và các nhà quân sự Pháp, dù đã hàng chục năm trôi qua, câu chuyện về "Bazooka made in Vietnam" vẫn luôn bị ám ảnh bởi nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Đối với quân Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ, sự xuất hiện của "Bazooka" thực sự là một cơn ác mộng, nó được xem như một thứ vũ khí khắc tinh đối với xe tăng, xe bọc thép và hệ thống boong-ke. Khi mới bước vào cuộc chiến tranh, Bộ Chỉ huy quân Pháp tin tưởng rằng xe tăng, xe bọc thép tha hồ tung hoành trên chiến trường Việt Nam mà sẽ không gặp phải bất kỳ địch thủ nào vì Việt Minh không có vũ khí chống lại tăng, thiết giáp. Với ưu thế này, Pháp sẽ sớm giành chiến thắng trong chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh". Tuy nhiên, sự xuất hiện của Bazooka do chính Việt Minh tự nghiên cứu, sản xuất đã làm đảo lộn tất cả, buộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Pháp lúc bấy giờ phải xem xét lại tính toán chiến lược của mình tại Đông Dương.

Với vẻ tò mò, nhà báo Bớc-sét hỏi tiếp: Tại sao lúc bấy giờ Pháp không có lấy một khẩu Bazooka của Mỹ mà các ngài lại có nó?

Giáo sư Trần Đại Nghĩa: Theo thỏa thuận giữa các nước Đồng Minh, trước đó người Mỹ đã chuyển cho chúng tôi 2 khẩu Bazooka để đánh phát xít Nhật. Từ những khẩu súng này, chúng tôi tự nghiên cứu và sản xuất ra "Bazooka made in Vietnam".

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Quân giới Việt Nam đã cung cấp cho bộ đội ta hàng ngàn quả đạn, khiến quân Pháp phải hứng chịu thất bại nặng nề và "sốc, choáng" bởi Bazooka của Việt Minh.

Nhà báo Bớc-sét lại hỏi: Tại sao trong điều kiện Việt Nam đang phải chiến đấu trong vòng vây với nhiều khó khăn, thiếu thốn, các ngài lại có thể sản xuất ra Bazooka nhanh và nhiều đến như vậy?

Không chút do dự, Giáo sư Trần Đại Nghĩa trả lời: Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chúng tôi là một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Bác Hồ dạy chúng tôi là phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường; toàn dân, toàn quân đều phải sản xuất vũ khí để đánh giặc. Lúc bấy giờ, chúng tôi không chỉ nghiên cứu sản xuất ra Bazooka, mà còn nhiều loại vũ khí khác phục vụ chiến tranh du kích của các địa phương. Thành công đó không chỉ là sáng tạo của ngành Quân giới chúng tôi, mà còn là sáng tạo của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.


Bản phác thảo đạn Bazooka của kỹ sư Trần Đại Nghĩa.     Ảnh: PHƯƠNG ANH

Nhà báo Bớc-sét đặt vấn đề tiếp: Thu - Đông năm 1947, trong cuộc tiến công chiến lược đầy tham vọng lên Việt Bắc, lần đầu tiên xe tăng, xe thiết giáp của Pháp đã phải hứng chịu thất bại ê chề và nặng nề. Thất bại trong cuộc tiến công lên Việt Bắc đồng nghĩa với sự kết liễu Chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh" của Pháp. Xin hỏi ngài Thiếu tướng: Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, các ngài đã cung cấp cho Quân đội của các ngài bao nhiêu Bazooka?

Giáo sư Trần Đại Nghĩa trả lời ngay: Đáp ứng tối đa theo yêu cầu của Quân đội chúng tôi. Ước tính có đến hàng nghìn quả.

Nghe nhắc đến con số hàng nghìn quả Bazooka, các thành viên trong Đoàn đều tỏ vẻ kinh ngạc. Nhà báo Bớc-sét thốt lên: "Tôi nhớ không nhầm thì lúc bấy giờ Quân đội Pháp ở Đông Dương chỉ có khoảng trên 1.000 xe tăng, xe bọc thép. Riêng tại Hà Nội có trên 60 chiếc. Con số Bazooka ấy quả là quá lớn so với số xe tăng, xe bọc thép của Quân đội Pháp trên chiến trường Việt Nam. Quả thật là một cơn ác mộng...".

Câu chuyện "Trần Đại Nghĩa với Bazooka" vẫn chưa dừng lại ở đó. Không nhiều người biết rằng, ngay từ ngày còn du học ở Pháp, chàng sinh viên Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) đã quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về Bazooka. Mặc dù lúc bấy giờ chưa biết đến Bazooka của Mỹ, nhưng ông hiểu đây là loại vũ khí chống tăng lợi hại được chế tạo theo nguyên lý nổ lõm cũng tương tự như Bazooka mà phát xít Đức sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Với niềm đam mê kỳ lạ đối với loại vũ khí này, quá trình mày mò khám phá, nghiên cứu, Phạm Quang Lễ nhận ra Bazooka của Mỹ có nhiều điểm ưu việt hơn của Đức, trọng lượng lại nhẹ hơn, rất phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Do vậy, ông quyết định tập trung tìm hiểu, nghiên cứu sâu về loại vũ khí này để chờ thời cơ trở về phục vụ Tổ quốc.

 

"Ước vọng cả đời tôi là được theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, được cống hiến cho đất nước, vì vậy mà tôi không bao giờ có ý định xa rời quê hương đất nước của mình được".

        (Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa)

Mùa hè năm 1946, thời cơ đó bất ngờ đến với ông khi phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-rô (Fontainebleau) và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đến Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Theo Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa thì ông Hoàng Xuân Mẫn, Chủ tịch hội Việt kiều - người duy nhất biết Phạm Quang Lễ nghiên cứu, tìm hiểu về vũ khí, đã giới thiệu ông với đồng chí Phạm Văn Đồng và chính Phạm Văn Đồng là người đã chắp nối, giới thiệu ông Lễ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua những cuộc trao đổi, trò chuyện thân tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chàng kỹ sư trẻ Phạm Quang Lễ đã quyết định từ bỏ vị trí kỹ sư trưởng một công ty chế tạo máy bay với mức lương tương đương 22 lượng vàng/tháng để theo Bác Hồ về nước phục vụ Tổ quốc.

Vừa đặt chân về đất mẹ chưa được bao lâu, Phạm Quang Lễ được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu giao cho 1 khẩu Bazooka của Mỹ cùng 2 viên đạn để làm mẫu nghiên cứu, sản xuất. Tại Xưởng Giang Tiên (Thái Nguyên), với vốn kiến thức tích lũy được trong thời gian ở Pháp, ông trực tiếp chỉ đạo các cộng sự sớm cho ra sản phẩm. Cuối tháng 11/1946, khẩu "Bazooka made in Vietnam" đầu tiên được ra lò trước sự vui mừng khôn xiết của mọi người. Tuy nhiên, khi đưa đi bắn thử, sức xuyên phá lại không đạt yêu cầu, dù cả 3 viên đạn đều tới đích và nổ lớn.

Tại sao đạn nổ mà không xuyên? Câu hỏi lớn ngày đêm đeo bám và dày vò tâm trí Phạm Quang Lễ cùng các cộng sự, nhất là trong những ngày "nước sôi lửa bỏng", cuộc kháng chiến toàn quốc có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Việc nghiên cứu tìm nguyên nhân "đạn nổ mà không xuyên" đang dở dang thì Phạm Quang Lễ được gọi về Hà Nội. Ông mang theo 2 khẩu Bazooka và 4 viên đạn mới nhất vừa được "ra lò" tại Xưởng Giang Tiên, vừa để báo cáo, vừa để nghiên cứu tiếp.

Ngày 5/12/1946 - một ngày đáng nhớ với chàng kỹ sư Phạm Quang Lễ khi được Bác Hồ gọi tới Bắc Bộ phủ để giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Để giữ bí mật cho cả gia đình ông lúc này đang ở trong vùng địch tạm chiếm miền Nam, Bác đã đổi tên cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa (vừa là trọng trách nặng nề, vừa là nghĩa vụ to lớn đối với đất nước). Chưa hết, Bác đã dành cho Trần Đại Nghĩa một "đặc ân" hiếm có, đó là trao cho ông toàn quyền quyết định mọi công việc mà không cần phải xin ý kiến của ai cả.

Trần Đại Nghĩa nhận quyết định làm Cục trưởng Cục Quân giới giữa lúc cuộc kháng chiến toàn quốc đang cận kề. Ông cùng Nguyễn Ngọc Xuân, Nguyễn Duy Thái... tập trung mọi tâm huyết cho việc tiếp tục nghiên cứu tìm lời giải cho câu hỏi: "Tại sao đạn Bazooka không đạt được sức xuyên phá"? Cuối cùng, Trần Đại Nghĩa đã phát hiện ra nguyên nhân là do chiều dày côn đồng ở buồng đạn quá lớn. Do thiếu đồng lá cán, anh em phải lấy đồng thỏi tiện thành côn nón, vì vậy mà chiều dày quá lớn so với yêu cầu nên khi bắn, đạn nổ nhưng không có sức xuyên phá. Cuối tháng 2/1947, sau khi cải tiến, đạn được đem đi thử nghiệm cho thấy có sức xuyên phá rất tốt. Trong trận chùa Trầm (3/3/1947), lần đầu tiên xung trận, Bazooka đã bắn cháy 2 xe tăng của Pháp.

Theo Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, sau chiến công ở trận chùa Trầm, gặp nhau tại Phú Thọ trên đường "thiên đô" lên Việt Bắc, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã ôm chầm lấy ông và nói: "Tôi rất mừng là súng đạn Bazooka do Quân giới sản xuất rất tốt. Đạn Bazooka của ta đã diệt được xe tăng Pháp tại ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, để chuẩn bị đánh trả địch có khả năng mở cuộc tiến công lớn trong Thu - Đông năm 1947, bộ đội ta cần có nhiều vũ khí, nhất là vũ khí đánh xe tăng, xe bọc thép. Anh chỉ đạo và động viên anh em Quân giới đẩy nhanh kế hoạch sản xuất, đặc biệt lưu ý là Bazooka, phấn đấu giao cho bộ đội trước tháng 7 để còn kịp huấn luyện cho anh em sử dụng thành thạo".

Quả thực, trong cuộc đối đầu, thử sức Thu - Đông 1947, không chỉ quân Pháp bất ngờ và "sốc, choáng" bởi Bazooka của Việt Minh, mà từ các mặt trận, những bức điện liên tục bay về Cục Quân giới đánh giá hiệu quả cao của Bazooka và khen ngợi động viên anh em Quân giới, đặc biệt là người Cục trưởng tài ba Trần Đại Nghĩa - người hết lòng vì nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất vũ khí.

Đại tá, PGS, TS. TRẦN NGỌC LONG

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: