CNQP&KT - Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa gắn liền với nhiều mốc son lịch sử dân tộc. Ông là một nhà khoa học quân sự lỗi lạc, tài năng, một đại trí thức đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với tầm nhìn chiến lược, chỉ sau 13 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay) với nhiệm vụ: thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí. Đồng thời, Người chỉ đạo và trực tiếp tuyển chọn cán bộ, giao nhiệm vụ phụ trách, đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam.

Tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp. Được gặp Người, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã có một quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời là theo Bác trở về nước với "nguyện vọng cao nhất là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần". Rời thủ đô Paris hoa lệ, từ bỏ cương vị kỹ sư trưởng Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord của Pháp, kỹ sư Phạm Quang Lễ cùng 5 trí thức Việt kiều theo Bác trở về phục vụ Tổ quốc. Về nước, chưa kịp nghỉ ngơi, kỹ sư Phạm Quang Lễ được cử ngay lên Thái Nguyên để cùng cán bộ, công nhân Xưởng Giang Tiên nghiên cứu chế tạo đạn Bazooka. Ngày 5/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Quang Lễ. Bác nói: "Kháng chiến toàn quốc sắp đến nơi, Bác giao cho chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế, Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa… Bác tin chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ"1. Bác dặn dò thêm: "Chiến tranh của chúng ta là chiến tranh nhân dân, chú vừa phải lo vũ khí cho bộ đội chính quy, vừa phải lo cho dân quân du kích. Phải giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhân dân tự làm ra vũ khí tại chỗ như mìn, lựu đạn… để đánh giặc. Chiến tranh sẽ qua ba giai đoạn, phải đi trước, chuẩn bị vũ khí cho từng giai đoạn. Phải mở lớp đào tạo về vũ khí và chuyên môn cho anh em…"2.

Trong điều kiện chiến tranh và thời gian rất ngắn, kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã cùng cán bộ, công nhân ngành Quân giới tổ chức “tổng di chuyển” khối lượng lớn máy móc, vật tư từ các đô thị về nông thôn và lên rừng núi; bố trí lực lượng sản xuất vũ khí trên cả nước để tiến hành cuộc chiến tranh "toàn dân, toàn diện, trường kỳ". Nhờ cách tổ chức gọn nhẹ, các binh công xưởng đã nhanh chóng đi vào sản xuất hoặc di chuyển khi bị địch đánh phá. Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đồng thời đảm nhiệm Giám đốc Nha nghiên cứu kỹ thuật - cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Ông luôn chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ chế tạo vũ khí cho ngành Quân giới. Năm 1947, tại Ứng Hòa - Hà Đông, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã lên lớp về thuật phóng và một số lý thuyết chế tạo vũ khí. Việc thành lập Nha nghiên cứu kỹ thuật và lớp học đầu tiên về vũ khí của Giáo sư Trần Đại Nghĩa là sự kiện đánh dấu ngành chế tạo vũ khí ở nước ta chuyển sang thiết kế vũ khí theo lý thuyết chuyên ngành chung trên thế giới. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các cán bộ của Nha nghiên cứu kỹ thuật là nòng cốt xây dựng các ngành công nghiệp và các cơ sở khoa học - công nghệ của cả nước.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp tham gia thiết kế, chế tạo các loại vũ khí phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, như: súng và đạn Bazooka, SKZ, đạn AT… Trong đó, việc chế tạo thành công súng, đạn Bazooka đã góp phần quan trọng làm phá sản chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp. Năm 1947, Nha nghiên cứu kỹ thuật đã chế thử thành công đạn AT chống tăng sử dụng đơn giản, hiệu quả chiến đấu cao, được bộ đội rất ưa thích. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, ngành Quân giới đã tiếp tục thiết kế chế tạo súng và đạn cối 60mm, 81mm, 120mm, 187mm. Đầu năm 1948, Cục Quân giới tiến hành nghiên cứu, chế tạo đạn hỏa tiễn OF, đạn chống tăng AT chuyên dùng để đánh xe bọc thép, xe quân sự địch; đạn súng cối 40mm và 51mm; các loại súng phóng bom, mìn nổ chậm... Cuối năm 1949, Nha nghiên cứu kỹ thuật nghiên cứu, chế tạo thành công súng, đạn SKZ 60mm, áp dụng đồng thời hai nguyên lý hiện đại: "không giật" và "nổ lõm", phát huy tác dụng lớn trong các trận công đồn, diệt lô cốt địch. Trên cơ sở đó, các xưởng Quân giới tiếp tục nghiên cứu, chế tạo thành công các loại súng không giật SKZ 51mm, SKZ 81mm, SKZ 120mm, phát huy tác dụng to lớn trong các trận phục kích của bộ đội.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa là người đặt nền móng cho lý thuyết thiết kế vũ khí ở nước ta. Ông là chỗ dựa chuyên môn và là người thầy cho các cán bộ nghiên cứu thiết kế vũ khí; là niềm tự hào của các thế hệ trong ngành Công nghiệp quốc phòng và Khoa học - Công nghệ Việt Nam.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, công nhân ngành Quân giới, trong đó có những đóng góp quan trọng của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, làm việc không kể ngày đêm, không chỉ chế tạo ra các loại vũ khí bộ binh thông thường như thời chống Pháp, mà còn nghiên cứu cải tiến vũ khí, khí tài do nước ngoài sản xuất và sáng tạo ra các phương tiện có khả năng hạn chế hiệu lực hoặc vô hiệu hóa một số loại vũ khí, trang bị của địch trên đất liền, trên không và trên biển, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa luôn được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao nhiều trọng trách. Trong Quân đội, ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Khi chuyển sang lĩnh vực dân sự, Giáo sư Trần Đại Nghĩa giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa II, III... Ở cương vị nào, ông cũng làm tròn nhiệm vụ, thể hiện rõ vai trò của một nhà khoa học uyên bác, tiêu biểu của giới trí thức cách mạng Việt Nam.

Những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng và phẩm chất trong sáng, đức độ của Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận và đánh giá cao. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi ông là "Ông Phật làm súng". Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng và là một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1952, ông là một trong ba người đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên về công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo súng và đạn Bazooka.


Cán bộ kỹ thuật nghiên cứu sản xuất vũ khí mới trong kháng chiến chống thực dân Pháp.      Ảnh: TL

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau nhiều bài học quý báu, đó là:

Một là, xây dựng ý chí quyết tâm chế tạo vũ khí, phát triển nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường. 

Trong di cảo của mình, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã viết: "Tuổi trẻ phải có hoài bão lớn, hãy cố gắng giữ gìn và phát huy nó". Từ nhỏ, Phạm Quang Lễ - Trần Đại Nghĩa có một hoài bão lớn và quyết tâm vượt mọi nghịch cảnh để thực hiện. Sau khi được sang Pháp du học, ông đã chú tâm học nhiều ngành, nhận gần như cùng một lúc ba bằng: kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán. Sau đó, ông còn tiếp tục học và nhận thêm bằng và chứng chỉ ở các ngành: Hàng không, Mỏ - Địa chất và Chế tạo máy. Điều đó thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện hoài bão của một trí thức yêu nước đó là "tham gia chế tạo vũ khí cho các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp". Tấm gương về ý chí quyết tâm, tinh thần cầu thị, sáng tạo không ngừng đã và đang được các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Quân giới - CNQP học tập và noi theo, quyết tâm xây dựng ngành CNQP Việt Nam phát triển theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Hai là, nêu cao tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí cách mạng, vượt mọi khó khăn, dấn thân cống hiến hết mình cho khoa học - công nghệ, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển CNQP.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng của một nhà khoa học lỗi lạc, một đại trí thức yêu nước cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông là người rất giản dị và đức độ, đem hết năng lực và tinh thần để phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc; luôn cố gắng làm đúng lời hứa: khắc phục mọi khó khăn, đào tạo nhiều cán bộ, đưa những tri thức tiên tiến áp dụng vào điều kiện nước ta. "Kỹ sư Nghĩa có công to lớn trong việc xây dựng Quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt được lý luận với thực hành"3 như nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một bài báo mà Người viết về ông.

 

"Tấm gương của Giáo sư Trần Đại Nghĩa sẽ còn tiếp tục truyền cảm hứng, lan tỏa cho các thế hệ về tinh thần hiếu học, tự học, sáng tạo và vượt khó; về lòng yêu nước, ý chí cách mạng, nghị lực và sự dấn thân cống hiến”.

(Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hồng Sơn)

Ba là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trong xây dựng, phát triển nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại. 

Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã đào tạo được đội ngũ cán bộ đầu tiên cho ngành Quân giới, sau này trở thành cán bộ chủ chốt, phát triển CNQP và khoa học - công nghệ Việt Nam.

Trong thời gian tới, để có những nhà khoa học đủ tâm, đủ tầm, quy tụ và định hướng các tập thể khoa học giải quyết những vấn đề mang tính đột phá, tạo bước tiến trong xây dựng, phát triển nền CNQP, cần phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài. Đồng thời, học tập tấm gương vượt khó, sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học, tận tâm, tận lực cống hiến cho cách mạng của Giáo sư Trần Đại Nghĩa; quán triệt sâu sắc và hiện thực hóa quan điểm Đại hội XIII của Đảng: "Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành… Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài…"4; "Coi trọng thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, cán bộ kỹ thuật những ngành đặc thù quốc phòng, nhất là các chuyên gia đầu ngành, kỹ sư trưởng và tổng công trình sư trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật"5.

Bốn là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nguồn lực khoa học - công nghệ phục vụ cho CNQP.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã thể hiện rõ tính chủ động, tích cực hội nhập, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để huy động mọi nguồn lực khoa học - công nghệ, đặc biệt là với các nước có nền khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, bài học đó càng trở nên quan trọng, cấp thiết, thời sự khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị chủ trương xây dựng, phát triển nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại… gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đặc biệt là việc "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển nguồn lực khoa học - công nghệ phục vụ cho công nghiệp quốc phòng"6.

 Năm là, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất vũ khí, trang bị phù hợp với điều kiện của Việt Nam và Chiến lược trang bị của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bằng nguồn lực và phương tiện kỹ thuật hết sức thô sơ, hạn hẹp tại các binh công xưởng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự đã vượt qua giới hạn của sự khó khăn về cơ sở vật chất, khoa học - công nghệ để tiến hành nghiên cứu và có những sáng tạo khoa học phi thường, chế tạo được nhiều loại vũ khí kịp thời phục vụ bộ đội chiến đấu, như: súng và đạn Bazooka, SKZ, đạn AT… Những sản phẩm đầu tiên này của Quân giới Việt Nam đã đi vào lịch sử, trở thành hình tượng gắn liền với hào khí "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", đi vào thi ca về những trận đánh oanh liệt bên bờ sông Lô, tiến tới chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cho đến hôm nay và cả mai sau, những người làm công tác khoa học - công nghệ trong ngành CNQP được thừa hưởng những di sản của ông về cách thức nghiên cứu, phát hiện điểm yếu trong vũ khí địch để sáng tạo ra các phương tiện đối phó hiệu quả, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam. Hiện nay, một trong những vấn đề mấu chốt đặt ra đối với cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên khoa học - công nghệ trong Quân đội và Tổng cục CNQP nói riêng là cần quán triệt, thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần "7 dám": Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung"7.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913-13/9/2023) là dịp để thế hệ hôm nay tưởng nhớ, học tập và tôn vinh một đại trí thức, một nhà khoa học quân sự tài năng của đất nước. Tấm gương của ông sẽ còn tiếp tục truyền cảm hứng, lan tỏa tới các thế hệ về tinh thần hiếu học, tự học, sáng tạo và vượt khó; về lòng yêu nước, ý chí cách mạng, nghị lực và sự dấn thân cống hiến hết mình cho khoa học - công nghệ, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển CNQP, hiện đại hóa Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HỒNG SƠN

Cục trưởng Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lửa trong rừng sâu, Nxb. QĐND, Hà Nội 1989, tr32.

2. Thành Đức, Huyền thoại nhà khoa học Anh hùng Trần Đại Nghĩa, Nhà Xuất bản Trẻ, Sđd, tr.99.

3. Hồ Chí Minh, “Dân tộc anh hùng và anh hùng của dân tộc”, Báo Nhân Dân, số ra ngày 12/6/1952.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.231.

5, 6. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

7. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: