CNQP&KT - Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa có những đóng góp quan trọng đối với ngành Quân giới Việt Nam. Ông và các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo ra nhiều loại vũ khí, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

SÚNG VÀ ĐẠN BAZOOKA

Đầu tháng 11/1946, chỉ hơn 10 ngày sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về từ Pháp, kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau là Trần Đại Nghĩa) được giao nhiệm vụ lên xưởng Quân giới Giang Tiên (Thái Nguyên) trực tiếp cùng các cán bộ, công nhân Quân giới nghiên cứu chế thử, hoàn chỉnh súng và đạn Bazooka. Cuối tháng 2/1947, sau nhiều lần thử nghiệm, với quyết tâm rất cao, súng và đạn Bazooka đã được chế tạo thành công. Toàn bộ quả đạn dài 0,56m, nặng 1,7kg, chứa 220g thuốc nổ mạnh và 60g thuốc đẩy, có khả năng xuyên thép dày 150mm. Súng dài 1,27m, nặng 11kg, có thể tháo lắp, vác vai, cơ động dễ dàng. Mức đâm xuyên của đạn đạt độ sâu 75cm trên tường gạch, tương đương đạn Bazooka do Mỹ chế tạo, trang bị cho bộ đội ta tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp, xe cơ giới, tàu chiến, lô cốt… của địch. Ngày 3/3/1947, bộ đội ta sử dụng súng và đạn Bazooka bắn cháy 2 xe tăng của địch ở Chúc Sơn - Chùa Trầm, bẻ gẫy hoàn toàn cuộc hành quân bằng thiết giáp của quân Pháp từ Hà Nội đánh ra vùng Chương Mỹ (Hà Tây trước đây). Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Bazooka bắn chìm tàu chiến Pháp trên sông Lô.

Việc chế tạo thành công súng, đạn Bazooka đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, gây cho địch những thiệt hại nặng nề, khiến cho giới quân sự và các học giả Pháp ngỡ ngàng và khâm phục. 


Thử súng Bazooka do Xưởng Quân giới Liên khu 5 sản xuất năm 1953.   Ảnh: TL

 SÚNG KHÔNG GIẬT SKZ

Năm 1948-1949, kỹ sư Trần Đại Nghĩa và các đồng nghiệp trong Cục Quân giới bắt đầu nghiên cứu và chế tạo loại súng có sức công phá mạnh, đó là súng không giật (ký hiệu SKZ). Đây là dòng vũ khí hiện đại, xuất hiện lần đầu trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai. Súng SKZ60 là loại vũ khí công đồn có trọng lượng khoảng 20kg, có thể tháo rời để mang vác. Đến tháng 5/1949, súng đạn SKZ60 được hoàn thiện và tổ chức bắn thử lần cuối ở cự ly 100m. Kết quả đạn nổ tốt, phá huỷ tường gạch dày 1m. Lần đầu tiên ra trận, SKZ đã lập công ở trận đánh đồn Phố Lu (Lào Cai) trong Chiến dịch Lê Hồng Phong, ngày 1/2/1950. Sau trận đánh này, SKZ60 được đưa vào trang bị cho các đơn vị chủ lực, mỗi trung đoàn bộ binh có một đại đội gồm 9 khẩu SKZ60. Ngày 1/4/1954, SKZ60 đã tham gia vào trận phục kích tiêu diệt và xóa sổ binh đoàn cơ động Pháp GM 100 ở đèo Măng Giang (An Khê, Bình Định). SKZ60 đã làm cho quân Pháp thực sự lo sợ và được Lucien Bodart tả lại trong cuốn "Chiến tranh Đông Dương" tập II, xuất bản tại Paris năm 1963: "Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ 8kg mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Chi -Nê… Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi", và thừa nhận rằng "họ đã đưa các khẩu SKZ lên đây và trong suốt 4 giờ liền, họ đã giáng những cú sấm xét… Xung quanh chúng tôi tất cả đều sụp đổ".


Sử dụng súng SKZ trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (Đông Xuân 1953-1954).   Ảnh: TL

BOM BAY

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù bộ đội ta đã có súng Bazooka và SKZ, nhưng trước diễn biến phức tạp của cuộc kháng chiến, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa vẫn nung nấu ý định chế tạo một loại vũ khí có tầm bắn xa hơn, uy lực mạnh hơn, có thể đánh vào các điểm co cụm của địch. Theo đó, ông và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, chế tạo loại vũ khí có tên là "bom bay". Ở giai đoạn đầu, "bom bay" chỉ đạt tầm phóng từ 3km đến 4km; trọng lượng cũng chỉ nặng khoảng 25kg đến 30kg. Tuy nhiên, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và các đồng nghiệp muốn loại vũ khí mới này phải bay xa hơn, nên tiếp tục nghiên cứu, chế tạo thuốc đẩy và đã thành công. Đầu năm 1949, bộ đội ta bắn thử loại bom này bay qua sông Hồng, rơi đúng vào trung tâm chỉ huy của Pháp ở Bắc Cổ, khiến quân Pháp khiếp sợ.

Sau khi thử nghiệm thành công, loại vũ khí mới này đã được khẩn trương sản xuất với tên gọi khiêm nhường "đạn bay" trang bị bộ đội đánh địch trên chiến trường, góp phần đánh bại các cuộc tấn công càn quét của quân Pháp.

CẢI TIẾN, CHẾ TẠO VŨ KHÍ CHO CÁC QUÂN, BINH CHỦNG

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại nghĩa đã có nhiều đóng góp rất quan trọng để cải tiến vũ khí, khí tài phục vụ bộ đội Phòng không - Không quân, Hải quân chiến đấu, như: cải tiến nâng tầm bắn tên lửa SAM-2; phá chống nhiễu của pháo đài bay B-52; cải tiến radar; phương pháp bố trí trận địa tên lửa phòng không; phá hệ thống thủy lôi của địch; chế tạo trang - thiết bị cho bộ đội Đặc công; nghiên cứu nhiều biện pháp chống bom từ trường, bom bi, "cây nhiệt đới" và các máy điện tử đếm xe ô tô, người qua lại, bom laser, mìn lá, lựu đạn vi điện tử, máy bay gây nhiễu của địch…

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã ghi trong nhật ký của mình: "Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vì hoài bão của tôi hồi nhỏ, sứ mệnh của tôi rất đơn giản là tham gia về mặt khoa học, kỹ thuật vũ khí trong cuộc đấu tranh cách mạng để giải phóng đất nước, và nay đất nước đã được giải phóng, tôi không muốn gì hơn nữa, vì một đời không thể làm hơn".

THI QUÝ (Tổng hợp theo các nguồn tài liệu)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: