CNQP&KT - Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp vẻ vang của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng về lòng yêu nước, tài năng, đức độ cho các thế hệ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng học tập và noi theo.

Ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - CNQP ngày nay) với hai nhiệm vụ: Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí chuẩn bị cho đất nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Trong những tháng ngày đầu tiên hình thành và phát triển, ngành Quân giới Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo xây dựng. Tháng 9/1946 khi sang Pháp, Người đã trực tiếp lựa chọn đồng chí Phạm Quang Lễ, một trí thức có đức, có tài, có kiến thức khoa học về sản xuất vũ khí, về nước phụ trách ngành Quân giới Việt Nam. Người dặn “Chú về phải lo ngay việc chế tạo vũ khí cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta. Sớm muộn thế nào ta cũng phải đánh nhau với Pháp”. Ngày 5/12/1946, Bác đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Quang Lễ: "Kháng chiến sắp đến nơi rồi, bữa nay tôi gọi chú lại để giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới, việc sản xuất vũ khí để đánh giặc cứu nước là việc làm đại nghĩa, vì vậy, Bác đặt tên mới cho chú là Trần Đại Nghĩa".

Tháng 12/1946, ngành Quân giới gấp rút tổ chức cuộc tổng di chuyển hàng chục vạn tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu... từ các thành phố, vùng đồng bằng lên Chiến khu Việt Bắc, bắt tay vào sản xuất, sửa chữa vũ khí cung cấp cho quân và dân ta đánh giặc. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã trở thành cán bộ đầu tàu của ngành Quân giới, người có công đưa công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại từ Pháp về Việt Nam, cùng với Giáo sư Tạ Quang Bửu mở những lớp huấn luyện về hóa nổ, xạ thuật, thử nghiệm vũ khí... Từ những bài giảng về lý thuyết xạ thuật đầu tiên do kỹ sư Trần Đại Nghĩa truyền đạt trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, cán bộ, công nhân Quân giới đã tự lực tiếp cận những tri thức khoa học kỹ thuật quân sự, tạo nên hình mẫu các cơ sở sản xuất vũ khí "đặc biệt Việt Nam". Bằng những nỗ lực, sáng tạo như: tự làm thủy điện nhỏ, khai thác than bùn tại chỗ... đã tạo ra nguồn nguyên vật liệu cần thiết để hình thành những cơ sở sản xuất thuốc gợi nổ fuminát thủy ngân, clorát, axít và cả lò cao sản xuất gang... đáp ứng yêu cầu sản xuất vũ khí. Đây là một nét rất đặc biệt, thể hiện rõ ý chí tự lực, tự cường, tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công nhân Quân giới Việt Nam trong những ngày đầu thành lập.

Cuối tháng 2/1947, tại Xưởng Quân giới Giang Tiên (Thái Nguyên), dưới sự chỉ đạo của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa, cán bộ, công nhân Quân giới đã nghiên cứu chế tạo thành công súng, đạn Bazooka với sức mạnh xuyên thủng 75cm tường thành gạch xây, tương đương với đạn Bazooka do Mỹ chế tạo. Súng Bazooka do Việt Nam chế tạo có ưu điểm là nhẹ, có thể vác trên vai, bắn không giật, có sức công phá lớn, giúp bộ đội tăng cường sức mạnh hỏa lực, tiêu diệt nhiều xe tăng, tàu chiến, đồn bốt kiên cố của địch. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, việc chế tạo thành công súng và đạn Bazooka, cùng với hiệu quả sát thương của nó đã gây cho địch những thiệt hại nặng nề và đây được coi là kỳ tích về chế tạo vũ khí mà đối phương không ngờ tới. Bazooka Việt Nam đã chặn đánh hiệu quả các loại xe chiến đấu của giặc Pháp trên đường tiến công lên Việt Bắc. Trong đó, chiến thắng trong Chiến dịch Việt Bắc năm 1947 và Chiến dịch Biên giới năm 1950 có ý nghĩa xoay chuyển cục diện chiến trường.

 
Đồng chí Trần Đại Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc (1/5/1952).   Ảnh: TL

Bên cạnh đó, ông cùng các cộng sự còn nghiên cứu, sáng chế thành công súng SKZ; đạn bay, đạn chống tăng AT, loại đạn chuyên dùng để bắn xe bọc thép, xe ô tô của địch; đạn súng cối 40mm theo kiểu Nhật và loại súng cối cỡ 50,8mm theo kiểu của Anh; các loại súng lớn, súng phóng bom; các loại mìn nổ chậm...

Vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn của đất nước, bên cạnh việc nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí có sức công phá lớn, kỹ sư Trần Đại Nghĩa còn chỉ đạo cán bộ Quân giới giúp các địa phương tự chế tạo các loại vũ khí thông thường, như: lựu đạn bằng gang, bằng sành; các loại mìn... Một mặt, ông cho vẽ mẫu lựu đạn, mìn gửi tới các địa phương, mặt khác mở lớp bồi dưỡng kỹ thuật, đào tạo công nhân, hướng dẫn cách sản xuất, cách tháo bom nổ chậm, tháo đạn đại bác của địch để lấy thuốc nổ làm nguyên liệu chế tạo mìn, lựu đạn, thủy lôi. Cục Quân giới đảm nhiệm sản xuất và cung cấp cho các địa phương những bộ phận khó của lựu đạn như nụ xòe lựu đạn, thuốc nổ.

Từ những bài giảng về lý thuyết xạ thuật đầu tiên do kỹ sư Trần Đại Nghĩa truyền đạt trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, cán bộ, công nhân Quân giới đã tự lực tiếp cận những tri thức khoa học kỹ thuật quân sự, tạo nên hình mẫu các cơ sở sản xuất vũ khí "đặc biệt Việt Nam".

Phương châm sản xuất vũ khí “tận dụng nguyên liệu sẵn có” đặc biệt có ý nghĩa đối với hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và phù hợp với đường lối kháng chiến "toàn dân, toàn diện" của Đảng ta. Số lượng vũ khí của lực lượng vũ trang được gia tăng, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích. Cục Quân giới, đứng đầu là Cục trưởng Trần Đại Nghĩa, đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân và phương châm "tự cấp, tự túc" vũ khí để đánh giặc.

Ngoài việc chế tạo vũ khí, kỹ sư Trần Đại Nghĩa còn có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân đầu tiên của ngành Quân giới. Cuối năm 1947, tại Bắc Kạn, ông đã mở lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ, kỹ thuật sử dụng và sản xuất vũ khí cho hơn 100 công nhân. Những người đầu tiên được ông đào tạo sau này đều trở thành những cán bộ cốt cán  của ngành Quân giới - CNQP.

Những cống hiến của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Năm 1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong quân hàm Thiếu tướng; năm 1952, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động".


Sắc lệnh số 117.SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 25/1/1948 về việc phong quân hàm Thiếu tướng đối với Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa.  Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3

Sau Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), với âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và là hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam. Nhiệm vụ đảm bảo vũ khí cho các lực lượng vũ trang ta chiến đấu với một kẻ thù có tiềm lực về kinh tế, quân sự mạnh bậc nhất thế giới đã đặt ra cho ngành Quân giới những yêu cầu mới hết sức nặng nề. Với cương vị là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đồng chí Trần Đại Nghĩa tiếp tục có những đóng góp to lớn trong việc chỉ đạo nghiên cứu cải tiến và chế tạo vũ khí cung cấp cho bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đối phó với những vũ khí hiện đại của Mỹ, ông đã góp phần cùng các nhà khoa học cải tiến thành công nhiều vũ khí quan trọng như: dàn hỏa tiễn Cachiusa; tìm ra các kỹ thuật khắc phục thủ đoạn gây nhiễu của địch trên radar để phát hiện máy bay B.52 và điều khiển tên lửa SAM-2 trúng mục tiêu. Bên cạnh đó, ông còn cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, chế tạo nhiều loại vũ khí, khí tài đặc biệt phục vụ các hoạt động chiến đấu của Binh chủng Đặc công khi phải đánh tàu chiến của địch ở ngoài khơi, như: các loại vũ khí chống cá mập, thủy lôi APS...

Những năm địch đánh phá ác liệt đường Trường Sơn, để thông đường cho các đoàn xe vận tải chở vũ khí, quân trang, lương thực, thực phẩm và bộ đội vào miền Nam, đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng các nhà khoa học nghiên cứu ra nhiều biện pháp chống bom từ trường, bom bi, bom laser, "cây nhiệt đới", máy đếm, mìn lá, lựu đạn vi điện tử... Đặc biệt, xe phóng từ trường từ xa ra đời đã chấm dứt tình trạng những đoàn xe vận tải chi viện chiến trường miền Nam bị phá hủy bởi bom từ trường của đối phương, bảo đảm thông đường để xe vận chuyển được an toàn hơn.

Với tư duy của một nhà khoa học, bên cạnh việc nghiên cứu trực tiếp các loại vũ khí của Mỹ, ông cùng đồng nghiệp còn nghiên cứu các loại sách, báo khoa học về vũ khí của Mỹ; các tài liệu về ngân sách của Quốc hội Mỹ chi cho lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí để tiến hành chiến tranh Việt Nam... từ đó, giúp Quân đội ta chủ động đối phó với các loại vũ khí hiện đại của Mỹ, giảm thiểu thương vong cho bộ đội và nhân dân. Ông cũng trở thành cố vấn, chỗ dựa tinh thần cho các nhà khoa học trẻ trong thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu và nhiệm vụ quan trọng đối phó với chiến tranh hiện đại của Mỹ. Những đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của lực lượng vũ trang ta trên mặt trận quân sự, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

"Trên cương vị người lãnh đạo nền khoa học của quốc gia, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa vẫn tiếp tục quan tâm sâu sát và có đóng góp trực tiếp vào việc đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành CNQP Việt Nam".

 (Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng)

Sau này, trên cương vị người lãnh đạo nền khoa học của quốc gia, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa vẫn tiếp tục quan tâm sâu sát và có đóng góp trực tiếp vào việc đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành CNQP Việt Nam. Ngành CNQP được thừa hưởng những di sản của ông về cách thức nghiên cứu, phát hiện điểm yếu trong vũ khí của địch để sáng tạo ra các phương tiện đối phó hiệu quả, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam. Những bài giảng đầu tiên của ông ở Chiến khu Việt Bắc về các phương pháp tính toán thiết kế vũ khí; các nguyên lý cơ bản của thuốc phóng, thuốc nổ, hỏa cụ, thuật phóng nội phao và ngoại phao... vẫn luôn là nền tảng để ngành CNQP tiếp tục phát triển trong điều kiện hiện đại khi nghiên cứu, thiết kế các loại vũ khí tích hợp hệ thống, các loại đạn dược thông minh và có điều khiển, các loại khí tài công nghệ cao… Đến nay, ngành CNQP đã làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các quân, binh chủng. CNQP Việt Nam đã huy động được sức mạnh, trí tuệ tập thể trong nghiên cứu khoa học - công nghệ, mở mới hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, phát huy hàng chục nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; chế tạo mới nhiều dây chuyền, thiết bị sản xuất quốc phòng; phát triển, hiện đại hóa hàng trăm loại vũ khí, trang bị mới thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, năng lực đóng mới và sửa chữa tàu quân sự có sự phát triển vượt bậc, với việc đóng mới thành công tàu tên lửa, tàu pháo, tàu cứu hộ tàu ngầm đa năng và các tàu chuyên dụng hiện đại, góp phần quan trọng nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 13/9/2023), một nhà khoa học lớn, một đại trí thức trong thời đại Hồ Chí Minh, là dịp để cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động trong Tổng cục CNQP ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của ông đối với quê hương, đất nước, Quân đội và ngành Quân giới - CNQP Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng và tinh thần cống hiến cho dân tộc để thế hệ hôm nay học tập và noi theo. Cùng soi rọi tấm gương đạo đức trong sáng và nhân cách sống cao đẹp của ông, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động trong Tổng cục CNQP tiếp tục phấn đấu, không ngừng nâng cao tri thức và trí tuệ, tầm nhìn và trách nhiệm, bản lĩnh cách mạng và phẩm chất đạo đức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, "phát triển ngành CNQP, an ninh lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao; tăng cường tiềm lực, tận dụng và đẩy mạnh phát triển liên kết CNQP, an ninh và công nghiệp dân sinh" như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Trung tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: