Trần Đại Nghĩa dưới góc nhìn Sử học13/09/2023CNQP&KT - Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học quân sự có nhiều công lao với đất nước. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tên tuổi của ông đã trở thành huyền thoại với danh xưng nổi tiếng "Ông vua vũ khí". NHÀ KHOA HỌC ĐƯỢC BÁC HỒ ĐẶT TÊN Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức nghèo tại làng Chánh Hiệp, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đầu năm 1935, Phạm Quang Lễ gặp nhà báo Vương Quang Ngươu - một Việt kiều Pháp. Nhận thấy tư chất thông minh hiếm có của Phạm Quang Lễ, nhà báo Vương Quang Ngươu vận động Hội Ái hữu Trường Chasseloup Laubat cấp học bổng cho ông. Ngày 5/9/1935, Phạm Quang Lễ được nhận học bổng của Trường Đại học quốc gia Cầu đường Paris (Pháp), với số tiền lên tới 1.200 franc/tháng. Với trí thông minh, say mê học tập, nghiên cứu, Phạm Quang Lễ đã thi được bằng cử nhân khoa học Trường Đại học Sorbonne nổi tiếng ở Pháp, bằng kỹ sư cầu đường ở Trường Đại học quốc gia Cầu đường Paris, kỹ sư điện tại Trường Đại học Điện và bằng kỹ sư hàng không tại Học viện Kỹ thuật Hàng không; đồng thời thi lấy chứng chỉ ở Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Mỏ. Năm 1939, ông làm việc tại Nhà máy điện khí Thomson, nhà máy sản xuất máy bay của Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm việc tại nhà máy chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không. Sau đó, ông trở về Pháp làm kỹ sư trưởng một hãng chế tạo máy bay dân dụng và tham gia Hội Việt Nam Ái hữu tại Pháp. Song, với khát vọng phải học được ngành chế tạo vũ khí và coi đó là một nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, mặc dù Chính phủ Pháp nghiêm cấm người dân thuộc địa tham gia học tập, làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến chế tạo vũ khí, nhưng Phạm Quang Lễ vẫn bí mật tự học qua tài liệu ở các thư viện và sưu tầm, ghi chép được hơn 30.000 trang tài liệu phục công tác thiết kế, chế tạo vũ khí. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta phải đương đầu với rất nhiều khó khăn bởi thù trong, giặc ngoài, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi việc sản xuất, sửa chữa vũ khí là công việc cần kíp, quan trọng nhất. Vì vậy, chỉ hơn 10 ngày sau khi giành độc lập, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ "thu thập, mua sắm và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí để trang bị cho quân đội". Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có Phòng Quân giới tổ chức thành Cục Chế tạo Quân giới. Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp. Cùng đi có phái đoàn Chính phủ ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn dự Hội nghị Phôngtennơblô. Thông qua bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn - Chủ tịch Hội Việt kiều, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp và trao đổi với Phạm Quang Lễ về tình hình đất nước, động viên ông về nước phục vụ kháng chiến và ông đã đồng ý. Đặc biệt, Phạm Quang Lễ đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn: "Chú phải lo ngay việc chế tạo vũ khí cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta. Sớm muộn, thế nào ta cũng phải đánh nhau với Pháp". Ngày 20/10/1946, sau 11 năm xa quê hương, Phạm Quang Lễ cùng với phái đoàn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về nước. Ông được cử ngay lên Thái Nguyên, cùng cán bộ, công nhân Xưởng Giang Tiên tiếp tục nghiên cứu chế tạo súng Bazooka - một loại súng hiện đại lúc bấy giờ có tác dụng chủ yếu đánh xe tăng của địch. Ngày 5/12/1946, Phạm Quang Lễ được Bác Hồ bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Chế tạo Quân giới. Bác đặt tên cho người đứng đầu ngành Quân giới Việt Nam là Trần Đại Nghĩa, vừa để nhắc nhở trọng trách vì nghĩa lớn đối với Đảng, với dân tộc, vừa để giữ an toàn cho gia đình ông. ![]() Giáo sư Trần Đại Nghĩa thời trẻ. Ảnh: TL Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhu cầu đảm bảo vũ khí, trang bị cho xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang rất cấp bách. Yêu cầu đặt ra cho ngành Quân giới là phải có được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn về kỹ thuật sản xuất vũ khí. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyển chọn những cán bộ ưu tú của Đảng bổ sung cho Quân đội, trong đó có các nhà khoa học Việt kiều yêu nước về phụng sự Tổ quốc. Việc kỹ sư Phạm Quang Lễ - Trần Đại Nghĩa và một số nhà khoa học trước đó đã về nước phục vụ kháng chiến cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề "người trước súng sau". NHỮNG PHÁT MINH THAY ĐỔI CỤC DIỆN CHIẾN TRƯỜNG Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng bằng sự hiểu biết của mình, Trần Đại Nghĩa và các cộng sự đã phát huy tinh thần tự lực cánh sinh tìm ra phương pháp sản xuất thuốc súng lấy từ nguồn phân dơi ở hang đá; lấy thép đường ray xe lửa, ống tuýp nước chế tạo nòng súng cối 50,8mm. Nhất là súng, đạn Bazooka do ông chủ trì thiết kế, chế tạo đã phát huy uy lực trong tác chiến trên mặt trận Đường 6. Bộ đội ta dùng súng và đạn Bazooka bắn cháy 2 xe tăng của địch ở Chúc Sơn - Chùa Trầm, bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân bằng thiết giáp của quân Pháp từ Hà Nội đánh ra vùng Chương Mỹ (Hà Tây trước đây), phá được ưu thế về xe tăng, thiết giáp của địch. Đây là một kỳ tích của Quân đội ta và là một bất ngờ lớn đối với địch. Bên cạnh súng, đạn Bazooka, Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự còn nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công đạn AT, lựu phóng VB cỡ 46mm và 51mm, súng cối 51mm, súng phóng bom và bom phóng đưa vào trang bị cho bộ đội đánh địch.
Tháng 1/1948, Hội nghị Trung ương Đảng chủ trương chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới. Về sản xuất vũ khí, Nghị quyết Trung ương chỉ rõ: Cục Quân giới cần rút kinh nghiệm mọi mặt của năm 1947 để chuyển sang giai đoạn mới, tiến tới "không một người lính nào không có một thứ súng... và tiến lên chế những vũ khí tối tân chuẩn bị cho bộ đội đánh những trận tiêu diệt lớn". Thực hiện chủ trương trên, tháng 9/1948, tại Hội nghị chuyên môn Quân giới toàn quốc dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục Quân giới đã thống nhất một bước các mẫu vũ khí, công nghệ chế tạo và một số tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn trong sản xuất; đồng thời, thống nhất một bước về tổ chức và quản lý sản xuất. Hội nghị chuyên môn năm 1948 là mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Quân giới. Bởi sau Hội nghị, nhiều loại vũ khí đã được sản xuất để phục vụ chiến trường. Đáng chú ý là súng không giật (ký hiệu SKZ) do Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Trinh Tiếp, Lê Tâm… nghiên cứu, chế tạo. Trước đây, chế tạo súng, đạn Bazooka tuy có nhiều khó khăn nhưng vẫn có mẫu để làm, còn đối với SKZ, mọi việc bắt đầu từ con số 0. Nhưng với quyết tâm phải sản xuất bằng được vũ khí mới phục vụ bộ đội đánh công kiên, sau 7 tháng miệt mài nghiên cứu, cuối tháng 5/1949, súng đạn SKZ được hoàn thiện và bắn thử thành công tại thành cổ Tuyên Quang. Loại súng này có tầm bắn gần hơn, nhưng sức công phá bằng đại bác, có thể bắn vỡ những lô cốt, boong ke của địch, lại gọn nhẹ, dễ mang vác. Súng đạn SKZ xuất trận lần đầu tiên trong trận Phố Lu, tiêu diệt hàng loạt lô cốt địch. Có thể nói, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến của quân và dân ta, trong đó có sự phát triển cả về chất và lượng của ngành Quân giới, sự cống hiến thầm lặng, quên mình của đồng chí Trần Đại Nghĩa và các cộng sự, đã trực tiếp góp phần vào thắng lợi của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo nên những kỳ tích mang màu sắc chiến tranh nhân dân Việt Nam. ![]() Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tại một hội nghị khoa học thời chống Mỹ. Ảnh: TL Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến đầu năm 1966, đồng chí Trần Đại Nghĩa được giao làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước và Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Đồng thời, giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, chuyên trách theo dõi, chỉ đạo về mặt kỹ thuật vũ khí quốc phòng. Trên cương vị mới, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trần Đại Nghĩa cùng các nhà khoa học Cục Quân giới vận dụng những kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từng bước cải tiến các loại vũ khí trang bị cho bộ đội chiến đấu, như: cải tiến dàn hỏa tiễn Cachiusa; tìm ra các kỹ thuật chống nhiễu của máy bay B.52 đối với tên lửa SAM-2; cải tiến độ nổ phân mảnh của đầu đạn tên lửa SAM-2; chế tạo thêm đầu đạn nổ mảnh cho súng B40 để tiêu diệt bộ binh và các loại vũ khí, khí tài đặc biệt trang bị cho đặc công, như: vũ khí chống cá mập, tia hồng ngoại, radar, siêu âm, thủy lôi APS... đem lại hiệu quả chiến đấu cao. Để thông đường, hạn chế thương vong cho các đoàn xe vận tải chuyển quân và hàng hóa từ miền Bắc vào miền Nam trên tuyến đường Trường Sơn, ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu ra nhiều biện pháp chống bom từ trường, bom bi, "cây nhiệt đới" và các máy điện tử đếm xe ôtô, người qua lại, bom laser, mìn lá, lựu đạn vi điện tử, máy bay gây nhiễu của địch… góp phần hạn chế thương vong cho bộ đội. TẤM GƯƠNG NHÀ KHOA HỌC CHÂN CHÍNH Từ cuộc gặp gỡ "định mệnh" tại Paris, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, như: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội... Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách sống và sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Với những cống hiến to lớn đó, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (năm 1952). Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, nhiều nhà sử học đều có chung nhận định: "Nhân dân Việt Nam đã mệnh danh Giáo sư Trần Đại Nghĩa là "Ông vua vũ khí". Với những kỳ tích đạt được về khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến, tên tuổi ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế". Cuộc đời hoạt động cách mạng của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa từ góc nhìn lịch sử, có thể thấy ở ông sáng lên phẩm chất của người cộng sản chân chính, nhà khoa học tài năng và đức độ. Vì đam mê khoa học và lý tưởng cách mạng, ông sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vật chất giàu sang ở Pháp để theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước góp sức đánh đuổi quân xâm lược. Đến nay, tên tuổi của ông đã gắn liền với tên đất, tên đường, tên trường học, có sức lay động, lôi cuốn và thôi thúc lòng người, là nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam phấn đấu vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới về khoa học - công nghệ, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thượng tá, TS. LÊ QUÝ THI* TS. NGUYỄN THỊ CHINH** * Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu. ** Khoa Lý luận chính trị, Học viện Ngân hàng. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật: Lịch sử ngành Kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 2 (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003. 2. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002. 3. Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013. 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002. 5. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Viện Vũ khí: Lịch sử Viện Vũ khí (1947-2017), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017. 6. Văn kiện quân sự của Đảng, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976. |