CNQP&KT - Trong hồi ký "Chiến đấu trong vòng vây", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Chính anh Trần Đại Nghĩa là người đầu tiên đã đem lại cho đội ngũ cán bộ khoa học của ta lúc bấy giờ những kiến thức cơ bản về lý luận và công nghệ chế tạo vũ khí". Trên thực tế, các bài giảng của kỹ sư Trần Đại Nghĩa cùng những tài liệu do ông đem về từ Pháp chính là "kiến thức nền" về chế tạo vũ khí hiện đại tại Việt Nam.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, lúc đó giữ cương vị Cục trưởng Cục Quân giới kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu kỹ thuật, luôn trăn trở về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Quân giới, nhất là cán bộ nghiên cứu, chế tạo vũ khí. Điều làm cho kỹ sư Trần Đại Nghĩa quên ăn, mất ngủ là chúng ta rất thiếu cán bộ về chế tạo vũ khí, bởi "80 năm nay, chúng nó không cho một người Việt Nam nào được học trường chế tạo vũ khí"1.

Về cơ bản, đội ngũ trí thức được tuyển mộ vào ngành Quân giới lúc ấy chủ yếu học qua các chuyên ngành hóa chất, cơ khí, kỹ nghệ, chưa có kiến thức chuyên sâu về chế tạo vũ khí, trong khi yêu cầu của kháng chiến lại rất cần những người biết "làm ra vũ khí để đánh giặc". Chính vì thế, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa "vừa chỉ đạo công tác nghiên cứu, hoàn chỉnh thiết kế và chế tạo súng và đạn Bazooka để đối phó với chiến sa địch, vừa đôn đáo tiến hành mở các lớp đào tạo về chế tạo vũ khí cho cán bộ Quân giới"2.

Thời điểm ấy, Nha nghiên cứu kỹ thuật đã rút ra vùng Ứng Hòa, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Trong điều kiện làm việc hết sức thiếu thốn, hàng nghìn cuốn sách và tài liệu về vũ khí do kỹ sư Trần Đại Nghĩa mang từ Pháp về đã bị mất hết trong đêm toàn quốc kháng chiến. Thế nhưng, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa vẫn nỗ lực cao nhất để chuẩn bị đầy đủ những bài giảng lý thuyết cơ bản về vũ khí; đồng thời trực tiếp giảng dạy cho lớp học vũ khí đầu tiên, bắt đầu từ cuối tháng Giêng năm 1947. Ông là người đầu tiên truyền đạt kiến thức cơ bản về kỹ thuật vũ khí, cấu tạo và tính năng của súng đạn, lý thuyết cơ bản về nội phao, ngoại phao, lý thuyết chuyển động của viên đạn trong nòng súng và ngoài khí quyển, tính năng các loại thuốc nổ, thuốc phóng… cho cán bộ, nhân viên Quân giới. Nội dung những bài giảng của “thầy Nghĩa” vừa cơ bản, vừa thiết thực, được chắt lọc và đúc kết từ kinh nghiệm bản thân qua một thời gian dài tự nghiên cứu, tìm hiểu, học tập ở Pháp và Đức. Đó cũng là cơ sở lý luận đầu tiên giúp các học viên tự nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao trình độ.


Hội nghị cán bộ Quân giới Liên khu bàn biện pháp sản xuất vũ khí đáp ứng chiến dịch tổng phản công.   Ảnh: TL

Lớp học dã chiến đầu tiên chỉ có 8 người, được tổ chức ngay trong ngôi đền có tên là “Khánh Hòa Linh Từ” ở phủ Ứng Hòa (nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Học viên hầu hết là những thanh niên có trình độ tú tài hoặc cử nhân, biết tiếng Pháp. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa giảng bài bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Học viên ngồi trên bục, đặt sổ lên đùi ghi chép. Buổi sáng học, buổi chiều tự học hoặc làm quen với việc nhồi lắp, gia công, chế tạo Bazooka do kỹ sư Trần Đại Nghĩa hướng dẫn. Một sự kiện hết sức đặc biệt, sau khi thử nghiệm thành công, đêm mùng 1 rạng sáng ngày 2/3/1947, số học viên này đã cùng kỹ sư Trần Đại Nghĩa hoàn thiện đạn Bazooka rồi chuyển cho các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lập chiến công xuất sắc tại chùa Trầm, tiêu diệt 2 xe tăng địch.

Kỹ sư Trần Đại Nghĩa là người đầu tiên truyền đạt kiến thức cơ bản về kỹ thuật vũ khí, cấu tạo và tính năng của súng đạn, tính năng các loại thuốc nổ, thuốc phóng… cho cán bộ, nhân viên Quân giới.

Do yêu cầu của cấp trên, cuối tháng 3/1947, Cục Quân giới được lệnh chuyển lên Tuyên Quang. Khi hành quân đến Phú Thọ, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đã chúc mừng Cục trưởng Trần Đại Nghĩa vì chế tạo thành công súng và đạn Bazooka, khen ngợi chiến công đầu của Bazooka bắn cháy xe tăng địch ở chùa Trầm. Thấy kỹ sư Trần Đại Nghĩa hiền lành, ít nói, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi ông là “Ông Phật làm súng”. Thời gian ở Tuyên Quang, kỹ sư Trần Đại Nghĩa một mặt tiếp tục chỉ đạo sản xuất hàng loạt Bazooka và cử cán bộ Quân giới đi các địa phương hướng dẫn kỹ thuật, một mặt lo tổ chức hướng dẫn cho bộ đội pháo binh ở Bình Ca sử dụng và sửa chữa súng pháo, cách bắn cho “đúng tầm trúng đích”, trong đó có sử dụng súng Bazooka. Bộ đội ta tiếp thu rất nhanh, chiến đấu dũng cảm, trong Chiến dịch Thu - Đông năm 1947 đã dùng Bazooka đánh đắm tàu chiến của Pháp trên sông Lô. Cũng trong thời gian này, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đã chỉ đạo biên soạn và phát hành tài liệu “Quy tắc sử dụng và bảo quản vũ khí”, “Xạ thuật thường thức”. Đây là những tài liệu về binh khí kỹ thuật đầu tiên của Quân đội ta.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng diễn ra cam go, quyết liệt. Để đảm bảo cho việc “vừa nghiên cứu chế tạo, vừa kịp thời sản xuất” phục vụ nhu cầu vũ khí trên các chiến trường, tháng 7/1947, cơ quan Cục Quân giới được chuyển về Chợ Mới - Bắc Kạn. Tại đây, đầu tháng 9, Cục Quân giới đã tổ chức lớp đào tạo kỹ thuật Quân giới với quy mô toàn quốc. Có trên 120 cán bộ, công nhân Quân giới từ các địa phương trong cả nước về dự. Cục trưởng Trần Đại Nghĩa giảng bài “cả phần nguyên lý thiết kế đến công nghệ chế tạo vũ khí, nội phao, ngoại phao, thuốc nổ, thuốc phóng, những kinh nghiệm thực tế qua quá trình chế tạo Bazooka ở các chiến trường...”3. Đây là lớp học rất quan trọng của Quân giới Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lớp cán bộ này sau khi học xong đã tỏa về các đơn vị, là hạt nhân chế tạo vũ khí của các binh công xưởng trên mọi miền đất nước.


Giáo sư Trần Đại Nghĩa trong chuyến làm việc với Cục Quân giới.   Ảnh: TL

Với những kiến thức đa dạng, chuyên sâu và thành tích xuất sắc về chế tạo vũ khí, năm 1949, kỹ sư Trần Đại Nghĩa được giao thêm trọng trách Cục trưởng Cục Pháo binh. Ông đã cùng các đồng chí Hoàng Đình Phu, Nguyễn Phước Hoàng và cán bộ Nha nghiên cứu Quân giới (trước đó là Nha nghiên cứu kỹ thuật) mở lớp đào tạo sĩ quan pháo binh đầu tiên cho Quân đội ta.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ sư Trần Đại Nghĩa cũng là người có đóng góp trực tiếp vào việc đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP), cả về mặt định hướng phát triển, tổ chức quản lý, chuyên môn khoa học - công nghệ, nhất là về đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học… “Những bài giảng đầu tiên của ông ở Chiến khu Việt Bắc về các phương pháp tính toán thiết kế vũ khí, về các nguyên lý cơ bản của thuốc phóng, thuốc nổ, hỏa cụ, thuật phóng… vẫn luôn là nền tảng để những người làm khoa học quân sự hôm nay tiếp tục phát triển trong điều kiện mới”4, trong đó có cả những loại vũ khí hiện đại tích hợp hệ thống, các loại đạn dược thông minh và có điều khiển, các loại khí tài công nghệ cao…

Kỹ sư Trần Đại Nghĩa là người có đóng góp trực tiếp vào việc đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng, cả về mặt định hướng phát triển, tổ chức quản lý, chuyên môn khoa học - công nghệ, nhất là về đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học…

Có thể nói, việc Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành Quân giới trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp đã góp phần “đào tạo nên nhiều cán bộ lãnh đạo, nhiều nhà khoa học nổi tiếng cho đất nước”5. Những học viên lớp học dã chiến đầu tiên trong ngôi chùa ở phủ Ứng Hòa năm 1947, sau này đều trở thành cán bộ chủ chốt tại một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội. Trong đó, đồng chí Lê Khắc sau này giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; đồng chí Hoàng Đình Phu sau này làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; đồng chí Hoàng Xuân Tùy sau này làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo); đồng chí Phạm Đồng Điện sau này giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; đồng chí Nguyễn Văn Thu, sau này là Đại tá, Viện trưởng Viện Công nghệ, Tổng cục CNQP; đồng chí Ngô Điền sau này chuyển sang ngành ngoại giao và giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Pháp; đồng chí Phạm Văn Gián, sau này làm Cục trưởng Cục Quản lý xí nghiệp, thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng).

Từ những kiến thức cơ bản về kỹ thuật vũ khí cho lớp học đầu tiên, những quan điểm, tư tưởng của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức quân đội, cán bộ khoa học quân sự đến nay vẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngành CNQP đang nỗ lực thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chất lượng cao, góp phần xây dựng, phát triển ngành CNQP tự chủ, tự lực, tự cường, hiện đại, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. 

NGUYỄN TRUNG THÁI

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tạ Ngọc Tấn, “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Nhà khoa học tiêu biểu có nhiều cống hiến cho cách mạng Việt Nam”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.24.

2, 3. Thành Đức - Huyền thoại nhà khoa học Anh hùng Trần Đại Nghĩa. NXB Trẻ, 2015.

4. Đoàn Hùng Minh, “Giáo sư Trần Đại Nghĩa nhà khoa học quân sự tài năng”, Tạp chí CNQP và Kinh tế, Số đặc biệt 2020.

5. Nguyễn Châu Thanh, “Người tham gia đặt móng, xây nền, góp phần làm nên những kỳ tích của ngành kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.121.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: