Hồi ức về ba05/09/2023CNQP&KT - Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, trên các cương vị công tác khác nhau, từ một vị tướng phụ trách ngành Quân giới cho đến Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam… ba tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tôn vinh. Ba tôi tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo ở miền quê Vĩnh Long giàu truyền thống cách mạng. Ông nội tôi bị bệnh qua đời khi ba tôi mới 7 tuổi. Thời điểm đó, đất nước còn chìm đắm trong kiếp nô lệ, nhân dân sống trong cảnh lầm than đói khổ, gia đình tôi cũng không phải là ngoại lệ. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng với tư chất thông minh, giàu nghị lực, ba tôi đã cố gắng vươn lên chăm chỉ học tập và luôn đạt kết quả xuất sắc trong các bậc học. Năm 1926, ông trúng tuyển hạng ưu vào Trường Trung học Mỹ Tho, rồi được tuyển thẳng vào Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn). Từ năm 1930 đến năm 1933, ông đã thi đỗ thủ khoa tú tài bản xứ và tú tài Tây. Tháng 9/1935, ông được sang Pháp du học. Ước mơ cháy bỏng của ba tôi là phải học tập, tiếp thu được nhiều tri thức để trở về nước góp phần đánh đuổi giặc Pháp đô hộ. Do đó, trong khoảng 4 năm ở xứ người, ông nỗ lực học tập và đã tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Quốc gia cầu đường Paris, Học viện Kỹ thuật hàng không. Năm 1939, ông làm việc tại Nhà máy Điện khí Thomson, Nhà máy sản xuất máy bay tại Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong Nhà máy chế tạo máy bay Halle và Viện Nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không. Sau đó, ông trở lại Pháp làm cho một số công ty chế tạo máy bay và tham gia Hội Việt Nam Ái hữu tại Pháp. Để thực hiện hoài bão nghiên cứu chế tạo vũ khí, ba tôi đã bí mật tìm mọi cách để tiếp cận và học hỏi về kỹ thuật chế tạo vũ khí của nước ngoài. Ông tâm niệm, khi có thời cơ sẽ trở về Tổ quốc chế tạo vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang, góp sức cùng quân và dân cả nước đánh đuổi giặc ngoại xâm. Gia đình Giáo sư Trần Đại Nghĩa (năm 1968). Ảnh: TL Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris. Ba tôi cùng một số trí thức Việt kiều được tiếp kiến Bác Hồ, được Người ân cần chỉ bảo và động viên trở về Tổ quốc phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm đó, ba tôi đang giữ cương vị kỹ sư trưởng với mức lương 5.500 francs/tháng (tương đương 22 lượng vàng lúc bấy giờ). Nếu ở lại Paris, ba tôi sẽ có cuộc sống đủ đầy nhưng ông vẫn quyết định về nước với Bác Hồ và xác định sẽ làm được công việc mà Bác giao phó. Ba tôi đã được Bác Hồ đặt tên mới là: Trần Đại Nghĩa. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng và cũng là niềm vinh dự lớn đối với ông. Khi theo Bác Hồ về nước, hành trang của ba tôi gồm: 3 bằng kỹ sư, 1 bằng cử nhân khoa học, 2 chứng chỉ, đặc biệt là 30.000 trang tài liệu nghiên cứu ghi chép, sưu tầm và hơn 1 tấn tài liệu về chế tạo vũ khí. Sau đó, ba tôi theo Bác lên Chiến khu Việt Bắc và được giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, thiết kế chế tạo vũ khí trang bị cho bộ đội ta đánh giặc.
Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, trên các cương vị công tác khác nhau, từ một vị tướng phụ trách ngành Quân giới cho đến Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam… ba tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tôn vinh. Đối với gia đình, ba tôi thực sự là người cha, người ông mẫu mực, nhân hậu, hết lòng yêu thương con cháu. Ba tôi sống giản dị, tiết kiệm và hòa đồng. Ở những nơi ông đã từng công tác, ông không bao giờ to tiếng với ai và luôn tôn trọng cá tính của mỗi người. Ông cũng kiệm lời và kín đáo, dành nhiều thời gian đọc sách, nghiên cứu. Ba chẳng bao giờ nói về mình. Ba mẹ tôi sống rất hạnh phúc, trọn đời yêu thương nhau và sinh được 4 người con trai: Trần Dũng Trí (sinh năm 1951), Trần Dũng Triệu (sinh năm 1953), Trần Dũng Trình (sinh năm 1955), Trần Dũng Trọng (sinh năm 1959). Anh em tôi được ba mẹ đặt theo họ Trần - là họ mà Bác Hồ đã đặt cho ba tôi - với mong muốn các con sẽ tiếp nối sự nghiệp của ông. Đến nay, các con và các cháu tôi đều mang họ Trần. Ba tôi từng nói với mẹ tôi: “Đời sống còn khó khăn, cần phải chi tiêu tiết kiệm, khi nào đất nước tiến lên mọi người sẽ được sung sướng, trong đó có chúng ta”. Ông cũng không bao giờ phàn nàn về những bữa ăn do mẹ tôi hoặc người phục vụ nấu, có gì ăn nấy. Vợ chồng Đại tá Trần Dũng Trí giới thiệu những cuốn sách viết về Giáo sư Trần Đại Nghĩa với đoàn viên thanh niên cơ quan Tổng cục CNQP. Ảnh: HẢI ĐĂNG Lúc tôi và các em còn nhỏ, cũng như khi đã trưởng thành, ba thường dạy: “Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, các con được đảm bảo đời sống, được học hành. Vì vậy, các con phải cố gắng rèn luyện, học hành thật tốt để sau này phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong cuộc sống hằng ngày, các con phải sống có đạo đức, kính trên nhường dưới, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ bạn bè, phải sống trung thực và tự lập”. Ba tôi là người cha hiền lành nhưng cũng rất nghiêm khắc. Sau giờ làm việc, ông đều dành thời gian để kèm anh em chúng tôi học tập. Ba thường răn dạy con cháu: “Tuổi trẻ phải sống có hoài bão lớn. Ngày nay hòa bình rồi, phải có suy nghĩ, ước mơ làm kinh tế giỏi, sáng tạo khoa học kỹ thuật và thực hiện bằng được ước mơ của mình”. Những lời răn dạy của ba đã theo chúng tôi trong suốt chặng đường đời: “Phải cố gắng học tập, phải sống và làm việc bằng chính khả năng của mình, không được dựa dẫm vào người khác”. Ba còn dạy: “Khi nào gặp khó khăn, gian khổ, hãy nghĩ đến Bác Hồ và Tổ quốc, nhân dân thì sẽ vượt qua được hết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”. Khắc ghi lời dạy của ba, kính trọng và tự hào về ba, anh em tôi đã không ngừng học tập, phấn đấu vươn lên trở thành những công dân tốt, có ích cho cộng đồng và xã hội. Đại tá TRẦN DŨNG TRÍ* Nguyên cán bộ Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân (Bài trong cuốn sách “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2015) * Con trai cả của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. |