CNQP&KT - Ngày 12/6/1952, trên báo Nhân Dân, dưới bút danh C.B, Bác Hồ đã viết bài "Dân tộc anh hùng và anh hùng của dân tộc", trong đó nói về kỹ sư Trần Đại Nghĩa là một trí thức lớn, được Bác giao nhiệm vụ và có những đóng góp to lớn cho đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo vũ khí. Bài viết của Bác về kỹ sư Trần Đại Nghĩa cách đây đã hơn 60 năm nhưng vẫn chứa đựng ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, nhất là trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài.

Giới thiệu về kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Bác viết: "Là một đại trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa"1. Chỉ với hơn hai dòng nhưng Bác đã khái quát về Trần Đại Nghĩa là một trí thức lớn, học ở châu Âu song luôn hướng về Tổ quốc và nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ kháng chiến, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Sau khi tốt nghiệp hai bằng tú tài (ta và Tây) nhưng Phạm Quang Lễ (tên thật của kỹ sư Trần Đại Nghĩa) không chọn việc "học để làm quan" mà đi theo tiếng gọi "từ trái tim", từ ý nguyện của cha ông, đó là "cứu nước, cứu dân". Sau những năm học ở châu Âu, ông đã có nhiều bằng cử nhân, chứng chỉ và theo đuổi nghiên cứu chế tạo vũ khí - một lĩnh vực rất cần cho đất nước nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp. Vì vậy, hơn 30.000 trang tài liệu liên quan đến chế tạo vũ khí mà ông dày công nghiên cứu, sưu tập và đưa về nước là minh chứng hùng hồn cho ý chí và nghị lực phi thường của một đại trí thức.

 Tuy trong bài viết Bác không đề cập đến quá trình phát hiện, "cảm hóa" của Người đối với Trần Đại Nghĩa để trở về nước xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự, nghiên cứu chế tạo vũ khí, đạn dược đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng việc kỹ sư Nghĩa cùng với Bác trở về nước đã cho thấy rõ điều đó. Khi giao nhiệm vụ cho Trần Đại Nghĩa, Bác nêu rõ: "Nước ta thiếu máy móc, thiếu nguyên liệu, thiếu thợ lành nghề... Vậy chú phải đưa những cái đã học ở nước ngoài mà áp dụng vào hoàn cảnh thiết thực ở nước ta để phụng sự Tổ quốc". Đáp lại lời căn dặn sâu sắc, chân tình của Bác, kỹ sư Nghĩa vui vẻ trả lời "Vâng! và "Từ đó, kỹ sư Nghĩa luôn luôn cố gắng làm đúng lời hứa: khắc phục mọi khó khăn, đào tạo nhiều cán bộ, đưa những học thức rộng ở châu Âu vào điều kiện eo hẹp của nước ta"2. Có thể thấy, những khó khăn của đất nước và việc cần có những con người đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là trong lĩnh vực chế tạo vũ khí, đạn dược đã được Bác nói kỹ trước khi Trần Đại Nghĩa cùng Bác trở về Việt Nam vào tháng 9/1946. Việc ông từ bỏ cuộc sống giàu sang, danh vọng nơi xứ người với mức lương mỗi tháng 5.500 Franc (tương đương 22 lượng vàng lúc bấy giờ) để về nước phục vụ cách mạng dù biết phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ, càng cho thấy rõ hơn lòng yêu nước, thương dân của ông. Bí danh Trần Đại Nghĩa mà Bác đặt cho ông không chỉ để bảo đảm bí mật công việc, đời tư mà còn với hàm ý sâu sắc “phục vụ nhân dân là nghĩa lớn” và ông đã thực sự xứng đáng với cái tên mà Bác Hồ đặt.


Đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng các cán bộ Quân giới xem sản phẩm do nhà máy Quân giới sản xuất thời chống Mỹ.  Ảnh: TL

Đánh giá về công lao, đóng góp của Trần Đại Nghĩa, bài báo viết: “Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng Quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt giữa lý luận với thực hành”3. Trên cương vị Cục trưởng Cục Quân giới, ông đã cùng các cộng sự nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí rất có uy lực lúc bấy giờ và đặc biệt là phù hợp với điều kiện tác chiến của Việt Nam, như: súng và đạn Bazooka, súng SKZ, súng cối, đạn bay (bom bay)… góp phần rất quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội và chiến thắng thực dân Pháp xâm lược. Với những thành tích và đóng góp to lớn của mình, kỹ sư Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng (năm 1948) và danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1952). Những năm sau đó, ông cùng đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, trang bị, như: xe phóng từ trường; cách phá bom bi, cách chống “cây nhiệt đới”... Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến, Huân chương Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý là “Cụm các công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí” trong thời kỳ chống Pháp của ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1.

Từ nội dung bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của trí thức, của nguồn lực con người đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó có lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP). Họ là những người vừa có năng lực, trình độ, vừa hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Điều quan trọng hơn đó là tầm nhìn xa, trông rộng trong việc phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhân tài cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là điều mà Bác luôn chú trọng thực hiện và thường xuyên nhắc nhở mọi cấp, mọi ngành: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muốn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém; muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa, đó là con người "vừa hồng, vừa chuyên", "có đức, có tài".

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn coi con người là trung tâm của sự phát triển và xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược của sự phát triển đất nước nói chung, phát triển CNQP nói riêng. Theo đó, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”4. Thực tiễn cho thấy, những thành tựu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó “lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đạt nhiều kết quả tích cực; tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo... từng bước bảo đảm tự trang bị vũ khí hiện đại, phù hợp với nghệ thuật tác chiến của quân đội ta, góp phần tạo nền tảng để xây dựng Quân đội hiện đại trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”5 đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của nguồn lực con người được khơi dậy và phát huy.

 

“Là một đại trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa”.

 (Chủ tịch HỒ CHÍ MINH)

Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và thực trạng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực CNQP còn bất cập, nhất là “khả năng khai thác, làm chủ và nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí mới, vũ khí công nghệ cao còn nhiều hạn chế”6. Cùng với đó là tác động của mặt trái cơ chế thị trường, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa… đã làm cho việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh con người Việt Nam có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong đó có việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khát vọng cống hiến, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục.

Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, đảng viên, người dân và cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống của Quân đội; thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của đất nước, trong đó có lĩnh vực CNQP; đặc biệt là nâng cao ý thức tự lực, tự cường, sự đồng thuận xã hội và trách nhiệm của mỗi cá nhân... làm cơ sở cho việc khơi dậy, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với thực tiễn đất nước và yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Tập trung đổi mới, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từ phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh... vừa bảo đảm tạo hành lang pháp lý, môi trường, điều kiện thuận lợi, vừa phát huy vai trò của trí thức với tinh thần "7 dám" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 3/7/2023: "dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung". Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới"… nhằm khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên, người lao động trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó có phát triển ngành CNQP.

Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN

Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự - Học viện Chính trị

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1, 2, 3. C.B, “Dân tộc anh hùng và anh hùng của dân tộc”, Nhân Dân, ngày 12/6/1952.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb.Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34.

5. Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương, Website Báo Chính phủ, https://baochinhphu.vn, ngày 3/7/2023.

6. Tổng cục Chính trị, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020, tr. 36.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: