CNQP&KT - Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi Giáo sư Trần Đại Nghĩa là "Ông Phật làm súng", còn giới khoa học quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè mệnh danh ông là "Ông vua vũ khí". Nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, đặc biệt là tư duy khoa học của ông về vai trò của vũ khí có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng Quân đội hiện nay.

TƯ DUY KHOA HỌC VỀ VAI TRÒ CỦA VŨ KHÍ

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Phạm Quang Lễ học tập qua 6 trường đại học, học viện danh tiếng của Pháp (Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbone, Đại học quốc gia Cầu đường Paris, Học viện Kỹ thuật Hàng không).

Trong thời gian học tập và làm việc tại Pháp, ông sớm nhận thức rằng: "Đồng bào ta bị thực dân đè nén khổ nhục ở nước nhà… Dân mình thế nào cũng có ngày nổi dậy; mình phải có súng đạn, phải đầu tư công sức để tự làm súng đạn một phần nào, 80 năm nay, chúng nó không cho một người Việt Nam nào được học trường chế tạo vũ khí"1. Lòng yêu nước, tư duy khoa học sắc sảo, đam mê nghiên cứu đưa ông đến với con đường khoa học, nhất là khoa học kỹ thuật sản xuất vũ khí. Phương pháp nghiên cứu, học tập của ông cũng rất độc đáo, đó là "thường xuyên xuống các nhà máy, xí nghiệp, vào thư viện, đứng hàng giờ trước những thiết bị khí tài trong Viện Bảo tàng vũ khí… Kiến thức cứ âm thầm ngấm vào và lớn lên trong ông theo cách ấy"2. Sau 11 năm kiên trì sưu tầm, tích lũy, ông đã có trong tay hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí và công nghiệp quốc phòng nằm trong một tấn sách của mình, trong đó có nhiều tài liệu tuyệt mật3.

Bằng tư duy khoa học, ông luôn gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, đưa những học thức rộng rãi ở châu Âu áp dụng vào điều kiện eo hẹp của nước ta. Trong một bài báo ký bút danh là C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Đồng chí rất giỏi về khoa học máy, nhưng lúc thực hành thì không "máy móc". Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng Quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành"4. Có thể thấy, tư duy khoa học của Trần Đại Nghĩa về vai trò vũ khí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc biểu hiện ở những nội dung: Thứ nhất, ngay từ rất sớm, ông đã ý thức được rằng, nhất định nhân dân ta sẽ vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc và cần có vũ khí để đánh giặc. Thứ hai, ông đã tìm hiểu, lựa chọn một số trường đại học lớn ở Pháp có giảng dạy các môn liên quan đến thiết kế, chế tạo vũ khí. Thứ ba, ông đã tiếp thu có chọn lọc những tri thức khoa học về vũ khí của Pháp và các nước tiên tiến, nhất là nước Đức. Thứ tư, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí phù hợp với đường lối chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Thứ năm, giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với vũ khí, chăm lo đến công tác huấn luyện bộ đội sử dụng vũ khí và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành Quân giới.


Giáo sư Trần Đại Nghĩa đón nhận phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng.  Ảnh: TL

Ý NGHĨA ĐỐI VỚI XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI THỜI KỲ MỚI

Ngưỡng mộ tài năng, đức độ của một nhà khoa học quân sự tài ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi Giáo sư Trần Đại Nghĩa là "Ông Phật làm súng", còn giới khoa học quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè mệnh danh ông là "Ông vua vũ khí". Từ những nghiên cứu, luận giải sâu sắc tư duy khoa học của Trần Đại Nghĩa về vai trò vũ khí tiếp tục khẳng định giá trị khoa học trong xác định chủ trương, mục tiêu, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trên một số nội dung sau:

Một là, xác định đúng mối quan hệ giữa con người và vũ khí; giữa sản xuất vũ khí thông thường với vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh.

Khi bàn về mối quan hệ giữa con người và vũ khí, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định đây là hai yếu tố cơ bản nhất trong hoạt động quân sự, có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận rõ những hạn chế của ta trong sản xuất, chế tạo vũ khí nhưng vẫn phải đẩy mạnh sản xuất vũ khí căn bản, đồng thời, chú trọng nghiên cứu, chế tạo vũ khí tối tân, hiện đại. Đảng ta chỉ rõ: "Phải chống khuynh hướng sai lầm coi thường vũ khí thô sơ và chỉ chú trọng vũ khí tối tân, đồng thời chống khuynh hướng thiên về việc chế tạo vũ khí thô sơ, mà không để ý hay không gắng sức chế tạo, và học dùng vũ khí tối tân"5. Đây là một chủ trương chiến lược, kịp thời đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến và định hướng phát triển ngành CNQP Việt Nam.

Trong thời kỳ mới, Đảng ta chủ trương phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược6. Trên cơ sở tổng kết hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), ngày 26/1/2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đây là những định hướng quan trọng trong phát triển CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

"Dân mình thế nào cũng có ngày nổi dậy; mình phải có súng đạn, phải đầu tư công sức để tự làm súng đạn một phần nào".

   (Giáo sư Trần Đại Nghĩa)

Hai là, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học quân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh.

Đội ngũ trí thức luôn có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Vào thời điểm đất nước gặp muôn vàn khó khăn, cùng với việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, Giáo sư Trần Đại Nghĩa luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ngành Quân giới. Ông chỉ đạo biên soạn và phát hành Quy tắc sử dụng và bảo quản vũ khí, Xạ thuật thường thức. Đây là những tài liệu về binh khí kỹ thuật đầu tiên của Quân đội ta. Ông đã góp phần "đào tạo nên nhiều cán bộ lãnh đạo, nhiều nhà khoa học nổi tiếng cho đất nước"7. Những quan điểm, tư tưởng của ông về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức Quân đội, cán bộ khoa học quân sự vẫn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng gay gắt đặt ra yêu cầu bức thiết phải quan tâm hơn nữa đến đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức Quân đội, cán bộ khoa học quân sự với cơ chế, chính sách phù hợp và môi trường, điều kiện làm việc được đảm bảo, mà Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã đề nghị từ những năm cuối thập niên 70, thế kỷ XX.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa quân sự, những nền CNQP tiên tiến trên thế giới và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước. 

Từ thực tiễn cuộc đời nghiên cứu, học tập, làm việc ở nước ngoài và trong nước của Phạm Quang Lễ - Trần Đại Nghĩa rút ra một chân lý quan trọng là phải tiếp thu có chọn lọc tinh hoa quân sự, những nền CNQP tiên tiến trên thế giới và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước. Quan điểm, tư tưởng của ông đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận, nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao công nghệ, đi tắt, đón đầu trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Song, việc vận dụng phải sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Đó là: Xây dựng và phát triển CNQP gắn liền với chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội, bảo đảm tốt vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang trong mọi tình huống; phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược quân sự, quốc phòng.


Trang bìa cuốn "Xạ thuật thường thức", tài liệu về binh khí kỹ thuật đầu tiên của Quân đội ta do Giáo sư Trần Đại Nghĩa chỉ đạo biên soạn và xuất bản năm 1949.  Ảnh: PHƯƠNG ANH

Bốn là, nghiên cứu, cải tiến vũ khí và huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo, phát huy tính năng, tác dụng của vũ khí, trang bị.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đánh giặc theo phương châm "có gì đánh nấy", "đánh địch bằng mọi loại vũ khí, phương tiện, dụng cụ có trong tay". Đồng thời, chủ động nghiên cứu các loại vũ khí mới và cải tiến các loại vũ khí được viện trợ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong mỗi trận đánh mà đỉnh cao là Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Trong 12 ngày đêm chiến đấu chống cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn chưa từng thấy. Mặt khác, con người là chủ thể sáng tạo ra vũ khí và sử dụng vũ khí. Vai trò, tính năng, uy lực của vũ khí phụ thuộc vào trình độ, khả năng sử dụng của con người. Vì thế, huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo, phát huy tính năng, tác dụng của vũ khí trên chiến trường luôn được Giáo sư Trần Đại Nghĩa quan tâm. Qua việc sử dụng vũ khí trong điều kiện tác chiến trên các chiến trường, giúp ông cùng các cộng sự hoàn thiện hơn tính năng, tác dụng của vũ khí. Những quan điểm, tư tưởng của ông đến nay tiếp tục được Đảng ta khẳng định và thể hiện rất rõ ở mục tiêu đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo mà Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) đã xác định: "Sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa phần lớn các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế".

"Đồng chí rất giỏi về khoa học máy, nhưng lúc thực hành thì không "máy móc". Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng Quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành".

 (Chủ tịch HỒ CHÍ MINH)

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng có phẩm chất, năng lực tốt, có ý chí quyết tâm cao. 

Năm 1948, Trần Đại Nghĩa là một trong những người được phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tài năng, ý chí quyết tâm cao, đam mê nghiên cứu, khắc phục khó khăn, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Đó cũng chính là phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" và tiếp tục được tỏa sáng trong thời kỳ mới. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trước hết phải tập trung xây dựng con người có tài năng, đức độ đủ sức đảm nhiệm những trọng trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học quân sự rất cần có phẩm chất của nhà khoa học, đó là sự đam mê nghiên cứu, năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"8.

Đại tá, PGS,TS. HOÀNG VĂN PHAI

Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự, Học viện Chính trị

 

Tài liệu tham khảo:

1. Tạ Ngọc Tấn, "Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Nhà khoa học tiêu biểu có nhiều cống hiến cho cách mạng Việt Nam”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.24.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang, “Trần Đại Nghĩa - Tấm gương sáng ngời về nỗ lực học tập và lao động khoa học”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.65.

3. Nguyễn Phương Nam, “Đồng chí Trần Đại Nghĩa - Một trí thức yêu nước, người đặt nền móng cho ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.84.

4. Hồ Chí Minh (1952), “Trần Đại Nghĩa”, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.422.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, tr.184, 185.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, tr.279. 

7. Nguyễn Châu Thanh, “Người tham gia đặt móng, xây nền, góp phần làm nên những kỳ tích của ngành kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.121.

8. Hồ Chí Minh (1964), “Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi”, Toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.435.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: