“Ông Phật làm súng”!07/09/2023CNQP&KT - Trong một lần đến nhà riêng của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (nằm trên phố Hàng Chuối, Hà Nội) để lấy tư liệu viết bài về Quân giới Việt Nam thời chống Pháp, tôi được đại diện gia đình cho phép tiếp cận một tập tài liệu quý, trong đó có những trang hồi ức của Giáo sư, được đánh máy chữ trên nền giấy Poluya mỏng đã ngả màu thời gian. Thì ra, đây là bản thảo bài viết có tên “Nhớ lại một chặng đường”, sau đó được in trong tập sách “Lửa trong rừng sâu” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1989. Sinh thời, Giáo sư Trần Đại Nghĩa không viết và xuất bản hồi ký, vì vậy, tư liệu mà tôi tiếp cận được có lẽ là những trang “chính sử” ít ỏi do chính Giáo sư thể hiện bằng “giấy trắng, mực đen”. Bài viết của Giáo sư Trần Đại Nghĩa kể về giai đoạn ông từ Pháp theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia kháng chiến. Bài viết ít đề cập đến thành tích cá nhân mà chủ yếu nói về tập thể, về chiến công của Quân giới Việt Nam những ngày đầu chống thực dân Pháp. Tôi đã kịp ghi chép những đoạn tâm đắc, khi Giáo sư Trần Đại Nghĩa nhắc lại những kỷ niệm thời nghiên cứu chế tạo súng và đạn Bazooka. Chuyện rằng: Vào thời điểm ngặt nghèo của chiến tranh, khi những cảm tử quân ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng địch, vĩnh viễn nằm lại trên đường phố Thủ đô, đã thôi thúc ông phải nhanh chóng nghiên cứu một loại vũ khí đủ mạnh, bắn cháy xe tăng địch và bảo vệ được tính mạng những người lính. Để có được súng và đạn Bazooka là nhờ những nỗ lực phi thường của Trần Đại Nghĩa và các đồng sự. Lúc đầu, khi đem đi bắn thử, 3 quả đạn Bazooka đều bay tới đích và nổ, nhưng đạn lại không thể xuyên phá được mục tiêu. Ông đã miệt mài đọc kỹ toàn bộ lý thuyết, đối chiếu với việc thực hành chế thử đạn Bazooka, kiểm tra mọi thông số kỹ thuật, lý giải nguyên nhân chưa đạt yêu cầu; chỉ đạo bộ phận nghiên cứu tháo một viên đạn ra, kiểm tra thật kỹ tất cả chi tiết và cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân. Sau khi tiến hành điều chỉnh, nhồi ghép, tổng lắp rồi thử nghiệm, đạn Bazooka đã bay đến đích, xuyên phá tốt và nổ tung... Ngay sau đó, Bazooka do Quân giới Việt Nam chế tạo đã được xuất trận và lập công xuất sắc vào ngày 3/3/1947, tiêu diệt 2 xe tăng Pháp tại chùa Trầm (Quốc Oai, Hà Nội). Trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, Quân giới Việt Nam do Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đứng đầu đã nghiên cứu chế tạo thành công một loại vũ khí rất hiện đại, có uy lực mạnh lúc bấy giờ khiến giới quân sự Pháp hết sức kinh ngạc. Việc ta sản xuất thành công súng và đạn Bazooka có ý nghĩa làm “thay đổi cục diện chiến trường”, trong đó, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa được đánh giá như một “tổng công trình sư”. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một bài báo lấy bút danh là C.B đã đánh giá Trần Đại Nghĩa thực sự là một “đại trí thức” và là người “đã có công to trong việc xây dựng Quân giới”. Tuy nhiên, bản thân Giáo sư Trần Đại Nghĩa lại luôn kiệm lời mỗi khi có người hỏi ông về thành tích chế tạo vũ khí. Ngay cả khi được rất nhiều người trong giới khoa học mệnh danh là “ông vua vũ khí”, Giáo sư Trần Đại Nghĩa vẫn luôn đề cao vai trò của tập thể, của anh em Quân giới và của cả “công nhân và nhân dân” Việt Nam như có lần ông trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp. Cuối tháng 3/1947, khi gặp Cục trưởng Trần Đại Nghĩa ở Chiến khu Việt Bắc, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã chúc mừng thành tích của Quân giới Việt Nam vì chế tạo thành công Bazooka và gọi Giáo sư Trần Đại Nghĩa là “Ông Phật làm súng”! - Một cách tôn vinh nhiều ý nghĩa và vô cùng sâu sắc. Viết đến đây, tôi bỗng liên tưởng đến câu hát “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/Kẻ thù buộc ta ôm cây súng” trong ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Đúng thế! Nếu không có chiến tranh, không có bóng giặc trên dải đất hình chữ S, thì chắc chắn Trần Đại Nghĩa cũng như nhiều trí thức khác đã không phải cầm súng hoặc làm ra vũ khí đánh giặc. Chiều ngày 30/4/1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã viết vào sổ tay: “Nhiệm vụ của Bác giao cho tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành”. Cho đến nay, qua chính sử cũng như trong hồi ức những người từng sống và làm việc với Giáo sư Trần Đại Nghĩa đều khẳng định vai trò của ông trong lĩnh vực khoa học quân sự, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, cả về mặt định hướng phát triển, tổ chức quản lý, chuyên môn khoa học - công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học. “Hữu xạ tự nhiên hương”! Dù ít nói về mình nhưng sự khiêm tốn, giản dị, khiêm nhường lại càng tôn lên giá trị đích thực của một con người quên lợi ích cá nhân, hết mình vì nghĩa lớn. Đó là phẩm chất của một Anh hùng, của một đại trí thức, của “ông Phật làm súng” Trần Đại Nghĩa! NHẤT NGÔN
|