CNQP&KT - Trong hành trình học tập, tiếp nhận, tích lũy tri thức khoa học - công nghệ ở nước ngoài, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, áp dụng thành công tri thức và phương pháp tổ chức nghiên cứu, chế tạo vũ khí hiện đại vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Trần Đại Nghĩa thực sự hội tụ những phẩm chất của một nhà sáng chế vũ khí xuất chúng. Tấm gương của ông đã để lại cho hậu thế những bài học vô giá.

Được nuôi dạy trong một gia đình gia giáo, nền nếp, với tố chất thông minh, ngay từ nhỏ, Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) đã bộc lộ khả năng tư duy sắc bén, ý chí hơn người, sớm nhận thức được nỗi đau mất nước, mất độc lập, tự do vì sự cai trị hà khắc của chế độ thực dân. Ông đã nghiêm túc đặt ra mục tiêu học tập thành tài và nung nấu khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và nhân dân khi có cơ hội.

Với tấm bằng tú tài Tây hạng ưu và khả năng sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, Phạm Quang Lễ được nhận vào làm trong cơ quan ngoại giao của một số nước tại Việt Nam. Trong những năm tháng ngắn ngủi làm việc cho sở Tây, ông có cơ duyên được nhà báo Vương Quang Ngươu giúp giành học bổng du học tại Paris (Pháp). Với năng lực và quyết tâm phi thường, ông đã tốt nghiệp xuất sắc, giành được bằng cử nhân và chứng chỉ tại 6 trường đại học, học viện hàng đầu nước Pháp. Trước khi lên đường sang Pháp du học, Phạm Quang Lễ đã xác định quyết tâm học tập cách chế tạo vũ khí. Vì vậy, ông nỗ lực tích lũy kiến thức về toán học, cơ khí chính xác, cơ khí kết cấu, cơ học công trình, điện tử, hóa nổ… với khối lượng rộng và sâu hơn rất nhiều so với kiến thức được giảng dạy tại trường. Đồng thời, ông dày công tìm tòi, nghiên cứu trong các thư viện ở Paris những tài liệu liên quan đến lĩnh vực này; nghiên cứu kết cấu, nguyên lý, tính năng tác dụng của các loại vũ khí trưng bày ở các bảo tàng; học hỏi kinh nghiệm của những người bạn Pháp tiến bộ làm trong ngành chế tạo vũ khí. Sau đó, để thâm nhập thực tiễn nghiên cứu, chế tạo vũ khí, năm 1939, ông nộp đơn tham gia tuyển dụng và được nhận vào làm việc tại Nhà máy điện khí Thomson, nhà máy sản xuất máy bay của Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm việc tại hãng chế tạo máy bay, sau đó là viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không. Những năm tháng làm việc trong các viện nghiên cứu, hãng chế tạo vũ khí hàng đầu châu Âu đã giúp kỹ sư Phạm Quang Lễ vừa trau dồi kiến thức chuyên môn về thiết kế, chế tạo vũ khí, vừa tiếp thu, tích lũy kiến thức về phương thức tổ chức nghiên cứu, chế tạo vũ khí của những nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) phát triển. Qua đó, góp phần hoàn thiện năng lực, phẩm chất của một tổng công trình sư trong ngành chế tạo vũ khí Việt Nam.


Chân dung Phạm Quang Lễ trước khi sang Pháp du học (năm 1935).  Ảnh: TL

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phụ trách ngành Quân giới, kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã triển khai những việc rất đúng đắn, cơ bản, đáp ứng cả yêu cầu xây dựng Quân đội trước mắt và lâu dài. Theo đó, về chủ trương, ông cùng các lãnh đạo Cục Quân giới xác định tiến hành nghiên cứu theo 2 hướng: hướng nghiên cứu ứng dụng để tạo ra ngay các loại vũ khí cá nhân, như: lựu đạn, địa lôi, bộc phá, súng trường… đáp ứng yêu cầu cấp bách của Quân đội; hướng nghiên cứu căn bản để tạo ra các loại vũ khí uy lực mạnh, tiêu diệt xe tăng, tàu chiến, lô cốt kiên cố của địch. Về hệ thống tổ chức, đề xuất thành lập các bộ phận nghiên cứu thiết kế, nghiên cứu công nghệ, chế thử, thử nghiệm, sản xuất loạt và bổ trợ. Quy trình nghiên cứu có đủ các khâu tính toán lý thuyết, thiết kế sơ bộ nguyên lý, chế thử, thử nghiệm nguyên lý, thiết kế kỹ thuật, chế thử và thử nghiệm hiệu chỉnh, hoàn chỉnh thiết kế cho chế tạo loạt. Đối với sản xuất, có đủ các khâu: chuẩn bị và kiểm soát vật tư, chế tạo, kiểm tra, nghiệm thu, bao gói...

Về chiến lược sản phẩm, kỹ sư Trần Đại Nghĩa và lãnh đạo Cục Quân giới chỉ đạo tập trung nghiên cứu 2 nhóm sản phẩm chính: Nhóm thứ nhất là các loại vũ khí cá nhân gồm lựu đạn cầm tay, địa lôi, bộc phá, súng trường… trang bị cho sư đoàn bộ binh và dân quân tự vệ; có kết cấu đơn giản, công nghệ chế tạo phù hợp với trang - thiết bị, máy móc và trình độ tay nghề công nhân thời đó; nguồn vật tư được tự chủ hoàn toàn trong nước. Nhóm thứ hai là các loại vũ khí cấp phân đội, gồm: hệ súng, đạn vác vai, không giật để chống xe tăng, chống tàu chiến, phá lô cốt; đạn phóng lựu chống bộ binh và chống xe cơ giới bọc thép nhẹ phóng từ súng trường; súng cối, đạn cối 60mm, 82mm, 127mm để tiêu diệt hỏa điểm, sinh lực địch tập trung trong và ngoài công sự. Đây là các loại vũ khí hỏa lực mạnh, nguyên lý hoạt động thuộc loại hiện đại thời đó; đòi hỏi trình độ thiết kế cao và kỹ thuật công nghệ chế tạo phức tạp, chỉ có một số nước như Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Anh… làm chủ được.

Tấm gương của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa để lại bài học quý về con đường hình thành một nhân tài xuất chúng trong lĩnh vực KHCN: Từ hình thành nền tảng đạo đức, giáo dục nhân cách, lý tưởng cao cả; đến hình thành nền tảng tư duy, có tư duy đột phá, đúc rút, tổng kết thực tiễn để hình thành lý luận, làm "kim chỉ nam” cho hành động…

Về thế bố trí, Quân giới Việt Nam thời đó gồm cơ quan đầu não và bộ phận nghiên cứu, thiết kế chính ở Việt Bắc; đại diện cơ quan đầu não và bộ phận phối hợp thiết kế ở Nam Bộ; hệ thống các binh công xưởng đóng quân tại địa bàn rừng núi trên khắp 3 miền, tập trung ở Việt Bắc và Nam Bộ. Đây là thời kỳ Quân giới Việt Nam có thế bố trí chiến lược hoàn chỉnh nhất, đáp ứng nhu cầu đảm bảo vũ khí, đạn dược tại chỗ cho kháng chiến trường kỳ. Đặc biệt, kỹ sư Trần Đại Nghĩa cùng các lãnh đạo ngành Quân giới đã có những giải pháp đúng đắn, khoa học để giải quyết vấn đề cốt yếu là nguồn nhân lực. Ông trực tiếp lựa chọn kỹ sư giỏi trong các ngành toán, lý, cơ khí, hóa học, kỹ nghệ... để thành lập các bộ phận nghiên cứu. Cùng với đó, ông dày công nghiên cứu tài liệu thu thập được, trực tiếp biên soạn giáo trình, sách tham khảo, sổ tay tra cứu và giảng dạy, truyền đạt kiến thức về thiết kế, chế tạo vũ khí cho những cán bộ nòng cốt này. Dưới sự dẫn dắt của kỹ sư Trần Đại Nghĩa, nhóm đã nghiên cứu thiết kế, chế thử thành công nhiều loại vũ khí hiện đại nhất thời điểm đó.

Có thể thấy, chính từ mạch nguồn quê hương, đất nước và gia đình đã hình thành nên nhân cách, ý chí, lý tưởng cách mạng của người thanh niên yêu nước Phạm Quang Lễ. Trong hành trình học tập, tiếp nhận, tích lũy tri thức khoa học - công nghệ (KHCN) ở nước ngoài, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, áp dụng thành công kiến thức và phương pháp tổ chức nghiên cứu, chế tạo vũ khí hiện đại vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, để lại cho hậu thế những bài học quý báu, đó là:

Thứ nhất, về giáo dục nhân cách, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Thời niên thiếu của Phạm Quang Lễ - Trần Đại Nghĩa đã khẳng định vai trò của giáo dục nhân cách. Từ tấm gương Trần Đại Nghĩa, chúng ta cần đặc biệt coi trọng giáo dục về nhân cách, lòng yêu nước, tạo nên những con người biết cảm thông, chia sẻ với khó khăn của người khác; biết trân trọng giá trị "chân, thiện, mỹ” và chống lại điều xấu, cái ác. Để biến lòng yêu nước chân chính trở thành khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, lòng yêu nước phải thể hiện bằng những hành động đúng đắn, cụ thể, mỗi cá nhân phải được định hướng để phát triển năng lực tư duy và năng lực hành động phù hợp với sở trường, cá tính từng người cũng như với nhu cầu của xã hội. Trong đó, đề cao trách nhiệm định hướng của ngành giáo dục; định hướng phù hợp sẽ tạo ra một xã hội hài hòa, tiến bộ, dựa trên chuyên môn hóa và phân công lao động, hướng tới một xã hội phát triển toàn diện.


Tượng đồng chí Trần Đại Nghĩa đặt tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (Tam Bình, Vĩnh Long). Ảnh: PHƯƠNG MAI

Thứ hai, về đào tạo nhân tài trong lĩnh vực KHCN, đặc biệt là KHCN quân sự.

Trong mọi thời đại, KHCN luôn là động lực của sự phát triển, là chìa khóa thành công, quyết định sự tiến bộ của xã hội. Ngoài việc đầu tư thỏa đáng cho KHCN, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cần đặc biệt coi trọng đào tạo nhân tài cho từng lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự. Tấm gương Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa để lại bài học quý về con đường hình thành một nhân tài xuất chúng trong lĩnh vực KHCN. Từ hình thành nền tảng đạo đức, phải giáo dục nhân cách, lý tưởng cao cả, mục đích trong sáng, lòng yêu nước sâu sắc; đến hình thành nền tảng tư duy, có tư duy đột phá, đúc rút, tổng kết thực tiễn để hình thành lý luận, làm "kim chỉ nam" cho hành động. Đối với việc hình thành năng lực hành động, phải rèn luyện, bồi dưỡng cho cá nhân xuất sắc những kỹ năng nắm bắt và tận dụng thời cơ, hành động độc lập và tổ chức dẫn dắt tập thể đạt được mục đích đề ra.

Thứ ba, về thu hút và trọng dụng nhân tài.

Đào tạo phải đi đôi với thu hút và trọng dụng nhân tài, do đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tin tưởng giao quyền tự chủ cho những cá nhân xuất sắc, tạo điều kiện tối đa để họ phát huy khả năng. Cùng với đó, tích cực đổi mới sáng tạo, có cơ chế chính sách đặc thù để phát huy những nhân tố mới; tạo lập môi trường công bằng, dân chủ, văn minh, tôn vinh giá trị lao động chân chính; giúp đánh giá các tập thể, cá nhân một cách minh bạch, không "lẫn lộn vàng thau” - nơi mọi người cùng chung chí hướng, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của đất nước.

Có thể khẳng định, Trần Đại Nghĩa chính là một nhà sáng chế vũ khí xuất chúng của Việt Nam. 77 năm trôi qua kể từ ngày kỹ sư Phạm Quang Lễ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về tham gia kháng chiến, đất nước đã trải qua bao thăng trầm, đổi thay, nhưng những bài học mà ông để lại vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Với truyền thống "Đoàn kết - Tự lực - Chủ động - Khoa học”, các thế hệ cán bộ, công nhân viên và người lao động của ngành Quân giới - CNQP sẽ luôn khắc ghi và kế thừa xứng đáng những bài học quý báu từ cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng, TS. DƯƠNG VĂN YÊN

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: