CNQP&KT - Ngay từ nhỏ, Phạm Quang Lễ (sau này là Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa) đã nổi bật về trí tuệ, giàu nghị lực và đạt kết quả xuất sắc trên con đường học vấn. Hành trình kiếm tìm, thu nạp, tích lũy tri thức tại 2 quốc gia phát triển ở châu Âu là Pháp và Đức đã giúp ông có kiến thức, kinh nghiệm chế tạo vũ khí, phục vụ công cuộc kháng chiến, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày 5/9/1935, chàng trai quê Vĩnh Long Phạm Quang Lễ lên đường sang Pháp du học theo dạng được hưởng học bổng. Từ cảng Sài Gòn, con tàu lớn lênh đênh trên biển gần một tháng trước khi cập cảng Marseille, miền Nam nước Pháp. Từ Marseille, Phạm Quang Lễ đi tàu hỏa đến Paris hoa lệ. Những tòa nhà mang kiến trúc cổ điển, sang trọng nối dài khắp "kinh đô ánh sáng" khiến anh không khỏi choáng ngợp. Tuy vậy, Phạm Quang Lễ không lơ là với mục tiêu của mình, anh dành trọn tâm trí cho việc học tập. Trước chương trình đại học, du học sinh phải học 2 năm dự bị, nhưng Phạm Quang Lễ chỉ có 1 năm học bổng, nên anh phải học rút ngắn, có những ngày phải dành đến 15 tiếng cho việc học. Mùa hè năm 1936, sau 9 tháng nỗ lực, Phạm Quang Lễ học xong khóa dự bị, thi đỗ vào trường Đại học Quốc gia cầu đường Paris và được cấp học bổng tiếp tục học lên. Trường Đại học Quốc gia cầu đường Paris là ngôi trường lớn có nhiều giáo sư nổi tiếng, các môn học nghiên cứu chuyên sâu về tính toán, sử dụng vật liệu kim loại, thép và đặc biệt các môn học ở đây dạy về hóa chất, thuốc nổ để làm bộc phá xuyên núi làm đường... Mục đích âm thầm của Phạm Quang Lễ là học hỏi, tìm hiểu và thu thập tri thức để nghiên cứu, chế tạo vũ khí. Ở Pháp ngày ấy, sinh viên các nước thuộc địa không được học tại các trường đại học có khoa công nghệ chế tạo vũ khí. Nếu để lộ ý đồ nghiên cứu chế tạo vũ khí sẽ bị trục xuất, thậm chí bị bỏ tù. Còn tài liệu chế tạo vũ khí thuộc “bí mật quân sự quốc gia”, được quản lý rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Hiểu rõ như vậy nên Phạm Quang Lễ phải bí mật tìm cách đi riêng, khó khăn hơn, lâu dài hơn, phải kín đáo khôn khéo và kiên trì để không bị lộ và bị trục xuất. Tại Đại học Quốc gia cầu đường Paris, Phạm Quang Lễ có thể công khai đọc, nghiên cứu về thuốc nổ mà không bị nghi ngờ. Anh xây dựng một thời gian biểu cụ thể, hợp lý để lên giảng đường nghe giảng, kết hợp với việc tìm sách tham khảo ở thư viện, đi thực tế ở xưởng máy, đến thăm các bảo tàng trưng bày vũ khí. Nhờ cần mẫn trong học tập, Phạm Quang Lễ đã tích luỹ được hệ thống kiến thức về khoa học cơ bản, toán học, cơ học, kỹ thuật công nghệ, hóa học. Đây là nền tảng quan trọng giúp Phạm Quang Lễ nghiên cứu chuyên sâu về chế tạo vũ khí sau này. ![]() Lớp sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Cầu đường Paris, năm 1936 - Phạm Quang Lễ hàng đầu thứ ba từ bên phải. Ảnh: TL Thời gian ở Paris, Phạm Quang Lễ còn thi đỗ bằng kỹ sư điện ở Đại học Điện, cử nhân toán cao cấp tại Đại học Sorbonne danh tiếng, kỹ sư hàng không loại giỏi của Học viện Kỹ thuật hàng không và có thêm hai chứng chỉ ở Đại học Mỏ địa chất và Cơ khí bách khoa. Sau khi có bằng cấp, Phạm Quang Lễ tìm được việc làm ngay, anh ký hợp đồng ngắn hạn với Công ty điện máy Thomson, trực tiếp theo dõi quá trình lắp ráp, chế tạo biến thế điện. Việc thực hành lắp ráp thiết bị điện giúp anh tích lũy kiến thức về điện từ trường và biến thế để thiết kế, chế tạo khí tài quân sự, kỹ thuật điều khiển từ xa.
Khi hết hợp đồng và nhận được sự công nhận chuyên môn ở Thomson, Phạm Quang Lễ được nhận vào làm ở một công ty chế tạo máy bay dân sự, ở đây cũng chế tạo các bộ phận của máy bay quân sự. Làm việc ở phòng thiết kế của công ty, anh được quyền đọc tài liệu kỹ thuật cũng như nghiên cứu hồ sơ về lĩnh vực vũ khí, khí tài máy bay cùng sách hướng dẫn chế tạo và sử dụng pháo cao xạ, bom, mìn, súng bộ binh. Mỗi lần xuống xưởng máy, anh lại có dịp quan sát trực tiếp các chi tiết máy bay, kết cấu và đặc tính của từng loại. Phạm Quang Lễ đã lần lượt làm việc trong 3 công ty chế tạo máy bay của Pháp. ![]() Đơn xin dự thi vào Đại học Quốc gia Cầu đường Paris của Phạm Quang Lễ. Ảnh: TL Cảm thấy vẫn chưa đủ, Phạm Quang Lễ muốn nghiên cứu thêm tài liệu quân sự của Đức, một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Âu. Bằng trí nhớ đặc biệt của mình, anh thuộc lòng cuốn từ điển tiếng Đức 4.000 từ chỉ trong 3 tháng hè. Năm 1940, Pháp bị quân Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Phạm Quang Lễ tranh thủ thời cơ thâm nhập, tìm hiểu về kỹ thuật, công nghệ vũ khí của nước Đức. Năm 1942, anh được nhận vào làm việc tại nhà máy chế tạo máy bay của Hãng Messerschmidt ở Halle, miền Trung nước Đức. Tuy chỉ làm việc ở đây vài tháng nhưng cũng đủ để Phạm Quang Lễ nắm được một số kỹ thuật mới và phương pháp tổ chức công nghiệp rất khoa học của Đức. Tới năm 1945, anh được chọn làm kỹ sư trưởng của Hãng chế tạo máy bay Nord Aviation. Ngày 22/6/1946, Phạm Quang Lễ có cơ hội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris, anh được Người kêu gọi hồi hương cứu quốc. Khi ấy, Phạm Quang Lễ đang giữ cương vị kỹ sư trưởng với mức lương 5.500 francs/tháng, tương đương 22 lượng vàng lúc bấy giờ. Thế nhưng, Phạm Quang Lễ vẫn lựa chọn về nước với Bác Hồ và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Bác giao phó. Bác đặt tên mới cho anh là Trần Đại Nghĩa và giải thích ý nghĩa: “Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước”. Ngoài ra, việc Bác đổi tên cũng là để giữ bí mật, bảo đảm an toàn cho gia đình anh vẫn đang sống trong Nam. Từ ấy, cái tên Trần Đại Nghĩa đã gắn với kỹ sư Phạm Quang Lễ cho đến hết cuộc đời. Khi theo Bác Hồ về nước, Trần Đại Nghĩa có 3 bằng kỹ sư, 1 bằng cử nhân khoa học, 2 chứng chỉ khoa học, đặc biệt là 30.000 trang tài liệu mà ông đã nghiên cứu ghi chép, sưu tầm và hơn 1 tấn tài liệu về chế tạo vũ khí, trong đó có nhiều tài liệu tuyệt mật. Tất cả những tri thức ấy đã giúp Trần Đại Nghĩa cùng với các cộng sự nghiên cứu chế tạo được hàng loạt vũ khí có hỏa lực mạnh lúc bấy giờ, khiến kẻ thù bất ngờ, khiếp sợ, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam. ĐINH HẢI ĐĂNG |